Sùi mào gà

Sùi mào gà là gì?

Sùi mào gà là một trong những bệnh phổ biến lây nhiễm qua đường tình dục. Virus Human papilloma (HPV) là nguyên nhân gây ra sùi mào gà, chúng thường truyền bệnh tại khu vực bộ phận sinh dục, trong miệng và cổ họng của cả nam và nữ. Bệnh không có triệu chứng rõ ràng và rất ít được nhận biết cho đến khi xuất hiện những mụn cóc ở bộ phận sinh dục. Hiện nay, bệnh vẫn chưa có thuốc điều trị, vì vậy người bệnh có thể mang bệnh suốt đời với tình trạng có hoặc không xuất hiện các triệu chứng.


Mục lục

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh sùi mào gà

Với người bệnh bị nhiễm HPV và bị sùi mào gà thường không có những biểu hiện gì đáng kể. Phần lớn người bệnh có xuất hiện các hạt mụn cóc ở bộ phận sinh dục với các đặc điểm sau:

  • Thường mọc thành đám như súp lơ;
  • Kích thước có thể to hoặc nhỏ khác nhau, độ to có thể bằng quả dâu;
  • Màu hồng nhạt hoặc màu trắng;
  • Bề mặt gồ ghề do nổi thành cụm;
  • Bên trong mụn chứa dịch có mùi hôi do cọ xát và bội nhiễm;
  • Có thể khiến người bệnh cảm thấy vướng víu và đau nhẹ, ngoài ra không có bất kì triệu chứng đặc biệt nào khác.

Đối với nam, vùng thường xuất hiện mụn cóc chính là bao quy đầu, rãnh quy đầu, thân quy đầu và da bìu.

Đối với nữ, vùng thường xuất hiện mụn cóc là môi lớn, môi bé, xung quanh niệu đạo, đáy chậu, âm đạo và cổ tử cung.

Tác động của bệnh sùi mào gà đối với sức khỏe

Mụn cóc thường mọc sau vài tuần đến vài tháng kể từ khi quan hệ với người bị nhiễm bệnh. Các hạt mụn có khả năng tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, virus HPV khi lây truyền bệnh chúng có thể tái phát và gây ung thư, đặc biệt là ung thư cổ tử cung và ung thư cổ họng. Khi mắc phải chúng thường không biểu hiện triệu chứng nào đặc biệt cho đến khi bệnh trở nặng và gây khó khăn trong việc điều trị.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Vì khả năng dễ lây nhiễm, dễ tái phát và có thể biến chứng thành ung thư nên khi bạn gặp phát hiện các nốt mụn có biểu hiện như sùi mào gà, bạn cần đến ngay bệnh viện để được khám và điều trị. Nhiều người có tâm lý e ngại vì đây là một bệnh liên quan đến vùng kín, nhưng nếu không điều trị kịp thời, bạn có thể sẽ gặp nguy hiểm.

Mỗi người một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến chuyên gia để có phương án điều trị thích hợp. Việc tự điều trị tại nhà có thể dẫn đến những tổn thương nguy hiểm khác.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến sùi mào gà

Sùi mào gà do một loại virus có tên Human papilloma gây ra. Virus này thường lây nhiễm các bệnh liên quan đến sinh dục và sùi mào gà là một trong những bệnh phổ biến nhất.

Nguồn lây truyền bệnh thường ở cả nam và nữ bị nhiễm virus, nhất là những người hành nghề mại dâm. Bệnh lây nhiễm qua các con đường:

  • Quan hệ tình dục không an toàn: Kể cả quan hệ với người lạ và không dùng biện pháp bảo vệ khi quan hệ.
  • Lây truyền qua tiếp xúc: Người khỏe mạnh tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc tiếp xúc với các đồ vật có nhiễm virus HPV đều có thể mắc bệnh. Nếu cơ thể có các vết trầy xước thì khả năng nhiễm bệnh sẽ cao hơn nữa.
  • Lây truyền từ mẹ sang con: Người mẹ bị nhiễm virus HPV thì khả năng trong lúc sinh đẻ có thể truyền bệnh sang con.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị sùi mào gà?

Bất kì ai cũng có khả năng bị nhiễm virus HPV và bị sùi mào gà nếu có liên quan đến nguyên nhân gây bệnh.

Yếu tố làm tăng nguy cơ sùi mào gà, bao gồm:

  • Người có nhiều bạn tình.
  • Người hành nghề mại dâm.
  • Không sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ với người lạ.
  • Tiếp xúc với người bệnh hoặc các vật dụng có nhiễm virus HPV.
  • Mẹ nhiễm HPV trong lúc sinh con có khả năng truyền bệnh sang con.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh sùi mào gà

Các bác sĩ có thể chẩn đoán sùi mào gà bằng cách:

  • Hỏi về tiền sử tiếp xúc của bệnh nhân.
  • Kiểm tra các biểu hiện lâm sàng trên cơ thể bệnh nhân, đặc biệt ở bộ phận sinh dục. Nếu phát hiện thấy mụn cóc sinh dục thì có thể kết luận bệnh.
  • Ngoài ra, bác sĩ có thể làm một số xét nghiệm để chẩn đoán phân biệt với một số bệnh khác có triệu chứng tương tự như giang mai, u mềm lây, ung thư tế bào gai, niken phẳng,…

Phương pháp điều trị bệnh sùi mào gà hiệu quả

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị sùi mào gà dứt điểm. Điều trị bệnh chỉ có thể dùng các phương pháp y khoa để làm giảm các triệu chứng của bệnh nhưng không thể diệt hết virus HPV; bệnh vẫn có khả năng tái phát.

Một số phương pháp thường được dùng để điều trị sùi mào gà:

  • Phẫu thuật lạnh bằng nitơ lỏng.
  • Đốt điện hoặc dùng laser.
  • Phẫu thuật cắt, nạo bỏ.
  • Dùng các thuốc bôi lên khu vực bị tổn thương: axit Trichloraxetic 80 – 90%, Podophyllin 10 – 25%.

Lưu ý: Tùy vào thể trạng, tình trạng bệnh và vùng bị ảnh hưởng mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân. Điều trị sùi mào gà cần điều trị cho cả người truyền bệnh và người bị lây bệnh.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

  • Dùng bao cao su khi quan hệ tình dục.
  • Không nên quan hệ với người lạ, đặc biệt là quan hệ với người hành nghề mại dâm.
  • Luôn giữ vệ sinh sạch sẽ vùng xung quanh bộ phận sinh dục.
  • Đối với phụ nữ, hằng năm nên khám phụ khoa 1 lần để phát hiện HPV và tầm soát ung thư cổ tử cung.
  • Khi có bất kì triệu chứng nào của bệnh, bạn hãy gặp bác sĩ để được kiểm tra.
  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan