Nhiễm lậu cầu

Mục lục

Nhiễm lậu cầu là bệnh gì?

Nhiễm lậu cầu là tình trạng nhiễm khuẩn do một loại vi khuẩn lậu cầu có tên là Neisseria gonorrhoeae gây ra. Đây là một bệnh lây nhiễm qua đường sinh dục. Lậu cầu lây nhiễm vào màng nhầy của đường sinh sản, bao gồm cả cổ tử cung, ống dẫn trứng ở phụ nữ, niệu đạo ở phụ nữ và bộ phận sinh dục nam giới. Vi khuẩn gây bệnh cũng có thể lây nhiễm sang các màng nhầy của miệng, họng, mắt và hậu môn.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng khi nhiễm lậu cầu

Khi nhiễm lậu cầu cấp tính thường có các triệu chứng điển hình là đái buốt, đái ra mủ, nhưng phần lớn gặp phải là lậu mạn tính với các triệu chứng không điển hình. Các dấu hiệu, triệu chứng, mức độ tiến triển và biến chứng của bệnh lậu ở nam và nữ rất khác nhau.

Đối với nam giới:

Thời gian ủ bệnh từ 1 – 14 ngày, trung bình 2 – 5 ngày. Thường có các triệu chứng:

  • Tiểu khó;
  • Có dịch màu trắng, màu vàng, hoặc màu xanh lá cây ở niệu đạo, thường xuất hiện từ 2 – 14 ngày sau khi nhiễm bệnh;
  • Bị đau khi xuất tinh, xuất tinh ra máu.

Đối với nữ giới:

Thời gian ủ bệnh của bệnh lậu ở nữ là không rõ ràng nhưng thông thường trong khoảng 10 ngày. Các triệu chứng thường thấy là:

  • Ra nhiều khí hư;
  • Tiểu khó;
  • Ra máu tươi giữa kỳ kinh;
  • Rong kinh.

Bệnh nhân có thể có duy nhất một triệu chứng hoặc có nhiều triệu chứng. Biểu hiện các triệu chứng có thể rất nhẹ hoặc rầm rộ. Nhiều trường hợp khi khám không thấy biểu hiện bất thường ở cổ tử cung, nhưng nhiều bệnh nhân có ra mủ hoặc mủ nhầy ở cổ tử cung, đỏ và phù nề vùng ngoài cổ tử cung và khi chạm vào rất dễ chảy máu.

Biến chứng có thể gặp khi nhiễm lậu cầu

Đây là bệnh xã hội nguy hiểm, bệnh có thể gây biến chứng cho cả nam và nữ với rất nhiều thương tổn ở các bộ phận khác nhau.

  • Viêm hậu môn – trực tràng do giao hợp đường hậu môn. Hậu môn – trực tràng đau và tiết dịch mủ.
  • Viêm họng do lậu; do quan hệ đồng giới hoặc quan hệ bằng miệng.
  • Viêm khớp do lậu (xảy ra đồng thời với lậu cấp ở đường sinh dục).
  • Biểu hiện ở da vùng sinh dục : Có những túi mủ, mụn mủ khu trú gần bộ phận sinh dục.
  • Phản ứng toàn thân có thể có dát đỏ, ban mề đay hoặc hồng ban đa dạng do phản ứng quá cảm ứng của cơ thể với song cầu lậu.
  • Viêm quanh gan hoặc hội chứng Fitr- Hugh và Curtis.
  • Biến chứng ở tim: Viêm nội tâm mạc do lậu cầu khuẩn.
  • Lậu mắt : Viêm kết mạc có mủ ở trẻ sơ sinh do lậu ( vi khuẩn được truyền sang trẻ sơ sinh trong khi sinh đẻ). Có thể có biến chứng loét giác mạc, thủng giác mạc.
  • Biến chứng tại chỗ ở nam giới: Biến chứng thường gặp nhất là viêm mào tinh hoàn.
  • Biến chứng tại chỗ ở nữ giới: Biến chứng thường gặp nhất là viêm cấp vòi trứng hay viêm tiểu khung chiếm khoảng 10-20% trường hợp lậu cấp.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Đây là bệnh nguy hiểm, dễ lây và gây ra nhiều biến chứng nên người có những triệu chứng nêu trên cần hết sức cẩn trọng. Cách tốt nhất là bạn nên đến bác sĩ để được kiểm tra và xử lí kịp thời. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm thiểu nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm lậu cầu

Nhiễm lậu cầu do một loại vi khuẩn lậu cầu có tên là Neisseria gonorrhoeae gây ra. Bệnh dễ lây qua các con đường sau đây:

  • Quan hệ tình dục không an toàn, bao gồm việc không dùng bao cao su khi quan hệ và quan hệ với người bị nhiễm bệnh. Dù quan hệ bằng dương vật, âm đạo hay miệng thì khả năng mắc bệnh là vô cùng cao.
  • Bệnh cũng có thế lây từ mẹ sang con trong khi sinh.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường có nguy cơ nhiễm lậu cầu?

Bệnh lậu chủ yếu lây qua quan hệ tình dục không an toàn. Trẻ sơ sinh có thể bị viêm kết mạc mắt do đẻ qua đường sinh dục của người mẹ bị bệnh.

Yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm lậu cầu, bao gồm:

  • Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất ở lứa tuổi 15 – 35.
  • Bệnh gặp nhiều hơn ở đô thị vì những vùng phát triển thường kèm theo nhiều tệ nạn xã hội.
  • Quan hệ không an toàn với gái mại dâm, người nghiện ma tuý.
  • Sử dụng vật dụng cá nhân chung với người nhiễm bệnh.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh nhiễm lậu cầu

Khi phát hiện có các triệu chứng trên, bác sĩ sẽ hỏi về tình trạng quan hệ của người bệnh và dùng các phương pháp xét nghiệm, chẩn đoán lâm sàng để đưa ra những kết luận chính xác.

Phương pháp xét nghiệm:

  • Nhuộm Gram thấy song cầu Gram (-) trong bạch cầu đa nhân trung tính.
  • Nuôi cấy lậu cầu; việc này cũng hỗ trợ xác định loại kháng sinh phù hợp cho bệnh nhân.
  • PCR (Polymerase Chain Reaction) với lậu cầu (+).

Phương pháp điều trị nhiễm lậu cầu hiệu quả

Nguyên tắc điều trị:

  • Điều trị đồng thời nhiễm Chlamydia;
  • Điều trị sớm;
  • Điều trị đúng phác đồ;
  • Điều trị cả bạn tình;
  • Tuân thủ chế độ điều trị: không quan hệ tình dục, không sử dụng rượu bia và chất kích thích, không làm thủ thuật tiết niệu trong thời gian điều trị.
  • Xét nghiệm huyết thanh giang mai và HIV trước và sau khi điều trị để phát hiện sàng lọc hai bệnh này.

Thuốc dùng trong điều trị bệnh lậu:

  • Cefixime 400 mg, uống liều duy nhất.
  • Ceftriaxone 250 mg, tiêm bắp liều duy nhất.
  • Spectinomycin 2g tiêm bắp liều duy nhất.

Điều trị lậu biến chứng

  • Ceftriaxone 1 gram / 1 ngày tiêm bắp x 3 – 7 ngày. Sau đó dùng Doxycyclin 100 mg x 2 viên/ ngày x 7 ngày.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh nhiễm lậu cầu

  • Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi có những cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Hiện nay vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa bệnh này do đó cần dùng các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bản thân cũng như những người thân, tránh khỏi căn bệnh xã hội này.

  • Không nên quan hệ với nhiều bạn tình.
  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để hạn chế lây bệnh.
  • Giáo dục, thông tin về các bệnh lây truyền qua đường tình dục, tình dục an toàn.
  • Khi có các biểu hiện nghi ngờ bị viêm niệu đạo phải đi khám bệnh ngay.
  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan