Hội chứng ống cổ tay
Mục lục
Hội chứng ống cổ tay là gì?
Hội chứng ống cổ tay hay còn gọi là hội chứng đường hầm cổ tay, hội chứng chèn ép thần kinh giữa. Nguyên nhân gây ra là do hoạt động lặp đi lặp lại của cổ tay, thay đổi nội tiết tố, lớn tuổi và do bị ảnh hưởng bởi một số căn bệnh khác. Bệnh nhân mắc phải thường cảm thấy tê và đau bàn tay gây ảnh hưởng ngón cái, trỏ, giữa và nửa ngón đeo nhẫn.
Đây là hội chứng thường gặp trong xã hội hiện đại nhất là với nhân viên văn phòng, diễn ra khi mô xung quanh gân gập sưng lên và làm tăng áp lực lên thần kinh. Khi mắc phải cần được điều trị càng sớm càng tốt, nếu điều trị muộn sẽ dẫn đến nhiều biến chứng.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng ống cổ tay
Dấu hiệu ban đầu thường gặp nhất là đau tê buốt ở bàn tay, tê ở gan bàn tay, tê và châm chích ở ngón tay đặc biệt ở ngón cái, ngón giữa. Tê tay thường xuất hiện khi cầm nắm: dụng cụ lao động, lái xe… Triệu chứng có khả năng xảy ra ở cả hai tay nhưng nặng hơn ở tay thuận.
Các triệu chứng thường lặp đi lặp lại như: đau, tê cứng ở ba ngón rưỡi hoặc có lúc cả bàn tay, do thần kinh giữa chi phối (thường xuất hiện về đêm), gõ trên cổ tay khi duỗi cổ tay gây cảm giác đau, tê giật lên ngón tay.
Biến chứng có thể gặp khi mắc hội chứng ống cổ tay
Bệnh nhân nên được điều trị càng sớm càng tốt, nếu điều trị muộn sẽ dẫn đến biến chứng:
- Tê nhức cả cánh tay.
- Rối loạn lưu thông máu và teo cơ bàn tay.
- Thần kinh teo nhỏ với khả năng phục hồi rất thấp.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi có dấu hiệu thường xuyên bị tê tay khi cầm nắm, thả lỏng thì hết tê, bệnh nhân nên đến bác sĩ để kiểm tra. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay do dây thần kinh giữa bị chèn ép, tạo áp lực và thiếu máu gây ra. Trong đó các nguyên nhân thường thấy là do:
- Di truyền trong gia đình: Một số người có ống cổ tay nhỏ hơn người bình thường.
- Các vận động cổ tay lặp đi lặp lại như: Đánh máy, lái xe, vẽ, chơi dương cầm, viết quá nhiều.
- Thay đổi nội tiết tố khi đến thai kỳ.
- Người lớn tuổi.
- Bị chấn thương tay, làm sưng bao hoạt dịch gây giảm diện tích của ống cổ tay. Chấn thương có thể hình thành do khiêng vật nặng, cổ tay phải hoạt động trong tư thế không thuận lợi, lặp đi lặp lại hoạt động của các ngón tay,…
- Người mắc bệnh đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp, suy tuyến giáp, bệnh gout.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc hội chứng ống cổ tay?
Đây là hội chứng phổ biến, mọi người đều có thể mắc phải. Trong đó, tỉ lệ mắc hội chứng ở nữ nhiều gấp 3 lần nam giới (có thể do ống cổ tay nhỏ hơn nam giới). Độ tuổi thường gặp tình trạng này là 45 – 60 tuổi, chỉ có khoảng 10% trường hợp mắc phải dưới tuổi 30.
Người phải làm việc cổ tay quá nhiều, quá gấp hay ngửa cổ tay là người có nguy cơ cao mắc hội chứng này.
Những người mắc bệnh béo phì, đái tháo đường, suy tuyến giáp, suy thận,… có nguy cơ bị hội chứng ống cổ tay hơn người khác. Bên cạnh đó, hút thuốc sẽ làm tăng nặng tình trạng.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hội chứng ống cổ tay
Các bác sĩ có thể chẩn đoán hội chứng ống cổ tay bằng cách:
- Quan sát các biểu hiện ở ống cổ tay.
- Hỏi bệnh nhân về các hoạt động thường ngày để xem xét có yếu tố nào có thể gây bệnh hay không.
- Khám cảm giác ngón tay và sức cơ bàn tay.
- Chụp X-quang phần tay để có thể nhìn thấy được hình dạng và những tổn thương ở đây.
- Bác sĩ có thể chỉ định đo điện cơ (EMG) và loại trừ các bệnh khác, đo dẫn truyền thần kinh.
Phương pháp điều trị hội chứng ống cổ tay hiệu quả
Trong giai đoạn sớm, bệnh có thể điều trị bằng cách:
- Để tay được nghỉ thường xuyên, tránh các hoạt động làm bệnh chuyển biến nặng hơn và chườm đá giảm phù.
- Dùng các loại thuốc kháng viêm không steroid, các corticosteroid tiêm tại chỗ hay thuốc uống.
- Nẹp cổ tay ban đêm khi ngủ hoặc bao cổ tay ban ngày khi làm việc.
- Các phương pháp điều trị vật lý khác: bấm nắn cột sống, tập Yoga, xoa bóp, điều trị đau bằng laser, tập trượt gân, tập cổ tay…
Nếu hội chứng không hết hoặc ở giai đoạn muộn, phẫu thuật là phương pháp điều trị tối ưu để giải phóng dây thần kinh giữa bị chèn ép. Có thể được thực hiện bằng phương pháp mổ nội soi hoặc mổ mở.
Tùy vào thể trạng và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của hội chứng ống cổ tay
- Tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
- Luyện tập các bài thể dục nhẹ nhàng cho tay.
- Không để tay cử động mạnh hoặc cố làm việc trong thời gian điều trị.
- Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.
- Chế độ ăn của người mắc bệnh cần các loại thực phẩm giàu vitamin, đặc biệt là vitamin nhóm B.
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
- Nghỉ ngơi thời gian ngắn và thường xuyên khi hoạt động sử dụng nhiều đến bàn tay.
- Giữ cổ tay ở tư thế thư giãn trung bình là tốt nhất.
- Các bàn phím/ bảng điều khiển nên để ngang tầm khuỷu tay hoặc thấp hơn một chút.
- Dùng chuột đứng cho máy tính, giữ cho cổ tay ở một góc chuẩn thích hợp tối đa.
- Sử dụng bao cổ tay khi cần thiết.
- Giữ bàn tay và cổ tay ấm khi làm việc.
- Giảm lực và thư giãn khi cầm nắm.
- Tập thể dục thư giãn cổ tay như chống tay lên mặt phẳng bàn, tập căng cổ tay.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.