Phong

Mục lục

Phong là bệnh gì?

Bệnh phong (hay còn gọi là bệnh hủi, bệnh phong cùi) là một bệnh có tính lịch sử lâu đời và thường xuất hiện ở khu vực có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Đây là bệnh nhiễm khuẩn mạn tính do vi khuẩn mycobacterium leprae gây ra. Bệnh chủ yếu làm ảnh hưởng đến chức năng hô hấp trên và dây thần kinh ở tay chân. Nếu không được điều trị kịp thời, người mắc bệnh phong có thể bị lở loét da, tổn thương thần kinh, biến dạng xương khớp và tàn tật vĩnh viễn.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu – triệu chứng khi mắc bệnh phong

Theo một số nghiên cứu, bệnh phong hiện nay được chia thành ba loại, bao gồm:

  • Bệnh phong thể củ: Là trường hợp nhẹ nhất của bệnh phong.
  • Bệnh phong thể u: Dạng bệnh này nghiêm trọng hơn.
  • Bệnh phong thể trung gian: Dạng này có những triệu chứng của cả hai thể trên.

Tùy theo thể của bệnh phong mà người bệnh sẽ có những triệu chứng đặc trưng, song chúng ta có thể nhận biết bệnh phong thông qua một số dấu hiệu điển hình sau đây:

  • Có một hoặc nhiều vùng có màu đỏ hoặc nhạt màu hơn vùng da xung quanh. Ở khu vực này sẽ mất cảm giác, không tiết mồ hôi.
  • Da mặt dày cộm, nổi cục hoặc dái tai dày, ngắn và vuông. Lông mày rụng, lúc đầu là phía ngoài, sau rụng toàn bộ.
  • Trường hợp bệnh đang tiến triển, tay chân có thể bị liệt, trông giống như các vuốt. Ngón chân, ngón tay hoặc toàn bộ tay, chân có thể dần dần bị cụt, trở thành những mỏm cụt.
  • Thần kinh ngoại vi tổn thương khiến bàn tay, bàn chân không cử động được, cứng lại, co quắp.
  • Bàn chân lở loét và nhiễm trùng.
  • Bộ phận sinh dục của nam giới kém phát triển, dần dần thành vô sinh.

Tác động của bệnh phong đối với sức khỏe

Bệnh phong có những di chứng về lâu về dài như gây mù loà vì bệnh nhân bị tổn thương giác mạc, áp huyết trong mắt tăng lên cao và dần dần sẽ không chớp mắt được. Mặt khác, dây thần kinh ngoại vi của bệnh nhân bị tổn thương nên gây tình trạng các ngón tay, ngón chân bị co quắp lại.

Ở một số bệnh nhân nam có hiện tượng bị teo tinh hoàn, không tạo ra tinh trùng đưa đến trường hợp vô sinh. Đó là chưa kể đến việc lông mày, lông mi trên gương mặt bệnh nhân sẽ dần rụng đi hết khiến họ trông khó coi nên dễ bị xa lánh.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bệnh phong có dấu hiệu từ những vùng da đỏ khác so với các vùng da xung quanh nhưng nó cũng có thể bắt đầu từ hệ thần kinh ngoại biên. Bệnh khi không được phát hiện và điều trị sẽ để lại các di chứng tàn tật vĩnh viễn ở mắt, bàn tay và bàn chân của bệnh nhân. Do thời gian ủ bệnh (khoảng thời gian lúc nhiễm trùng cho đến khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên) có khi kéo dài từ 5 – 20 năm nên khi các triệu chứng xuất hiện cũng có nghĩa bệnh đã trở nặng. Vì vậy, bạn hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra ngay khi có những dấu hiệu vừa kể trên hoặc khi bạn nghi ngờ mình đã mắc bệnh. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ hạn chế nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm bệnh phong

Bệnh phong do vi khuẩn Mycobacterium leprae gây ra. Vi khuẩn này được Nhà bác học người Norway tên Hansen tìm ra năm 1873 nên còn được gọi là trực khuẩn Hansen, do đó bệnh phong còn được gọi là bệnh Hansen. Vi khuẩn Hasen là một loại khuẩn gây bệnh giống như vi khuẩn lao nhưng yếu hơn.

Vi khuẩn Hansen là vi khuẩn ký sinh nội bào bắt buộc, chỉ sống được trong tế bào da và thần kinh ở người, ra ngoài cơ thể nó chỉ sống được không quá 48 giờ. Bệnh phong lây lan qua việc tiếp xúc với chất nhầy của người bệnh, khi người bệnh hắt hơi, ho hoặc qua các vết thương trầy xước ở da. Mặc dù khả năng lây lan của bệnh phong không cao, nhưng nếu tiếp xúc trực tiếp với người bị phong trong một khoảng thời gian dài thì cũng sẽ có nguy cơ mắc bệnh.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc bệnh phong?

Bất cứ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh phong. Bạn có nguy cơ bị mắc bệnh cao hơn nếu tiếp xúc trực tiếp với dịch của người bệnh hoặc chăm sóc người bệnh trong thời gian dài. Tuy nhiên, vi khuẩn phong khó sống lâu trong không khí và khả năng lây nhiễm cũng không cao bằng các loại vi khuẩn truyền nhiễm khác.


Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh phong

Bác sĩ sẽ quan sát các triệu chứng, dấu hiệu đã nêu trên mà đưa ra chẩn đoán. Ngoài ra còn có thể dùng các biện pháp xét nghiệm khác để xác định vi khuẩn Hansen:

  • Soi vi khuẩn;
  • Sinh thiết da;
  • Phản ứng nội bì với Lepromin (phản ứng Mitsuda);
  • Phản ứng Bordet-Wassermann.

Phương pháp điều trị bệnh phong hiệu quả

Hiện nay bệnh phong đã có phương pháp điều trị. Bằng các phương pháp chữa trị hiện đại thì bệnh có thể được chữa khỏi trong 6 đến 12 tháng tùy theo mức độ bệnh. Do không phải trường hợp nào khi điều trị cũng sẽ cho kết quả giống nhau nên các bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp phù hợp theo từng đối tượng và thể phong. Ngoài ra, một số kháng sinh cũng có thể dùng để điều trị bệnh phong như:

  • Dapsone;
  • Rifampin;
  • Clofazamine;
  • Minocycline;
  • Ofloxacin.

Tiên lượng cho người mắc bệnh phong

Với trường hợp được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bạn sẽ tiến triển tốt, có thể ngăn ngừa các tổn thương trên cơ thể, biến chứng của bệnh và hạn chế sự lây lan.

Với trường hợp phát hiên trễ hoặc không điều trị bệnh, bạn có nguy cơ bị biến dạng cơ thể và không thể sống cuộc sống bình thường.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh phong

  • Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Khi phát hiện các triệu chứng nên đến các bệnh viện để kiểm tra và điều trị đúng bệnh.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Hiện nay trên thế giới vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa bệnh phong, do đó cách phòng ngừa bệnh phong tốt nhất là:

  • Tuyên truyền giáo dục, nâng cao hiểu biết về bệnh phong.
  • Phát hiện sớm và điều trị kịp thời những người mắc bệnh phong để cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng.
  • Khi tiếp xúc với người bệnh nên sử dụng khẩu trang, tránh tiếp xúc trực tiếp với dịch từ người bệnh.
  • Rửa tay sạch sẽ sau khi chăm sóc, tiếp xúc với bệnh nhân.
  • Tốt nhất vẫn nên hạn chế tiếp xức lâu dài với người mắc bệnh.

Mặc dù phong là một trong những căn bệnh quái ác nhưng hiện nay đã có phương pháp điều trị dứt điểm nên bạn không cần quá lo lắng về căn bệnh này.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan