Ghẻ cóc (do nhiễm Treponema pertenue)
Mục lục
Ghẻ cóc (do nhiễm Treponema pertenue) là gì?
Ghẻ cóc là căn bệnh truyền nhiễm do một loại xoắn khuẩn có tên khoa học là Treponema pertenue gây ra. Bệnh chủ yếu phát triển ở vùng nhiệt đới, ảnh hưởng nặng nề đến da và xương. Ghẻ cóc xuất hiện chủ yếu ở trẻ dưới 15 tuổi. nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể lây nhiễm sang người khác và trở thành ghẻ cóc mạn tính.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của cóc ghẻ (do nhiễm Treponema pertenue)
Tùy vào từng giai đoạn của bệnh mà dấu hiệu và triệu chứng sẽ có những biến chuyển khác nhau. Cóc ghẻ chia làm 4 giai đoạn, bao gồm:
- Giai đoạn 1: Các tổn thương phát triển ngay tại vị trí lây nhiễm. Các nốt phát ban xuất hiện, có thể kèm sưng hạch bạch huyết.
- Giai đoạn 2: Xoắn khuẩn lan rộng ra nhiều vùng trên cơ thể và những vùng có xoắn khuẩn xâm nhập cũng sẽ xuất hiện các dấu hiệu như trong giai đoạn 1; thường là ở vùng mặt, bàn tay, mông và chân. Có thể kèm theo lở loét và gây đau đớn.
- Giai đoạn muộn: đây có thể xem là giai đoạn tiềm ẩn để chuyển qua giai đoạn cuối. Trong giai đoạn này, bệnh không có triệu chứng nào nổi bật, nếu có thì chỉ xuất hiện các tổn thương da như trong các giai đoạn trên.
- Giai đoạn 3: Xoắn khuẩn gây tổn thương đến các mô mềm, sụn và xương khớp, gây biến dạng khớp xương và mặt.
Trong giai đoạn 1 và 2, bệnh có khả năng lây nhiễm cao vì xoắn khuẩn khu trú rất nhiều ở bề mặt da và trong các vết lở loét, vết thương do cào gãi. Đến giai đoạn muộn và giai đoạn 3, bệnh hầu như ít có khả năng lây nhiễm.
Biến chứng có thể gặp khi bị ghẻ cóc
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn 3 được biểu hiện bằng những biến dạng xương khớp và mô mềm không thể hồi phục vĩnh viễn.
Nếu bệnh chuyển thành mạn tính, mặc dù tổn thưng do bệnh gây ra có thể tự khỏi nhưng không thể tránh việc để lại sẹo và bị nhiễm khuẩn, bệnh vẫn sẽ tái phát sau 5 – 10 năm kể từ khi mắc bệnh.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Để tránh bệnh lây nhiễm cho người khác và các biến chứng nêu trên, khi bạn phát hiện thấy có dấu hiệu của bệnh thì cần đến trung tâm y tế hoặc bệnh viện để được kiểm tra. Mỗi người một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến chuyên gia để có phương án điều trị thích hợp. Việc tự điều trị tại nhà có thể dẫn đến những tổn thương nguy hiểm khác.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến ghẻ cóc (do nhiễm Treponema pertenue)
Ghẻ cóc do một loại xoắn khuẩn có tên Treponema pertenue gây ra, chúng có thể sống trong đất, nước và đầm lầy. Trong khi đó, bệnh giang mai (thường lây nhiễm qua quan hệ tình dục) gây ra bởi xoắn khuẩn Treponema pallidum. Đến hiện nay, y học vẫn chưa thể phân biệt được hai loại xoắn khuẩn này.
Đường lây nhiễm chính của xoắn khuẩn T.pertenue là từ việc tiếp xúc trực tiếp giữa người với người. Chúng khu trú ở lớp thượng bì của da nên rất dễ lây nhiễm. Trong thời gian ủ bệnh, xoắn khuẩn sẽ xâm nhập vào máu.
Thời điểm dễ lây nhiễm xoắn khuẩn sang người khác nhất chính là ở giai đoạn 1 và 2 của bệnh, vì các xoắn khuẩn tồn tại dày đặc trong những vết lở loét, nốt ban trên da và những vết trầy xước do cào gãi.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ bị ghẻ cóc (do nhiễm Treponema pertenue)?
Bất cứ ai khi tiếp xúc với nguồn bệnh đều có khả năng bị lây nhiễm. Tuy nhiên, khoảng ¾ trường hợp bị ghẻ cóc được phát hiện là trẻ em dưới 15 tuổi. Trong đó, độ tuổi mắc bệnh cao nhất là từ 6 – 10 tuổi.
Yếu tố làm tăng nguy cơ ghẻ cóc, bao gồm:
- Sống ở những vùng có khí hậu nhiệt đới gió mùa, mưa nhiều, độ ẩm cao và thời tiết nóng.
- Những nơi nghèo đói, có điều kiện vệ sinh kém.
- Nơi thiếu sự chăm sóc y tế công cộng.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ghẻ cóc (do nhiễm Treponema pertenue)
Các bác sĩ có thể chẩn đoán ghẻ cóc bằng cách:
- Quan sát các biểu hiện trên da, chỉ thấy được khi bệnh nằm trong giai đoạn 1, 2 và 3. Trong giai đoạn tiềm ẩn, bệnh không hiện rõ triệu chứng.
- Xét nghiệm máu hoặc sinh thiết da để kiểm tra xem có xoắn khuẩn Treponema pertenue hay không. Tuy nhiên, việc này không thể xác định xoắn khuẩn là loại Treponema pertenue gây bệnh ghẻ cóc hay Treponema pallidum gây bệnh giang mai vì chúng giống nhau.
Để kết luận bệnh, bác sĩ phải tổng hợp các yếu tố như: triệu chứng lâm sàng, kết quả xét nghiệm máu hoặc sinh thiết da thấy dương tính với xoắn khuẩn, và nơi mà người bệnh đã ở hoặc tiếp xúc.
Phương pháp điều trị ghẻ cóc (do nhiễm Treponema pertenue) hiệu quả
- Penicillin được dùng để điều trị ghẻ cóc. Thuốc giúp các tổn thương trên da sạch khuẩn và làm lành tổn thương sau từ 1 – 2 tuần điều trị.
- Nếu bệnh nhân dị ứng với penicillin, một số loại thuốc khác có thể được sử dụng thay thế là tetracycline, erythromycin, doxycycline.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ghẻ cóc (do nhiễm Treponema pertenue)
- Điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Không nên tiếp xúc trực tiếp với người khác vì có thể sẽ lây bệnh và khiến bệnh phát tán rộng ra khu vực xung quanh.
- Trong quá trình điều trị, nếu thấy có bất kì dấu hiệu bất thường nào, bạn hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra.
- Luôn giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ.
- Nên giặt quần áo với nước nóng hoặc luộc quần áo, chăn mền với nước sôi để loại bỏ xoắn khuẩn.
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
- Thường xuyên vệ sinh môi trường sống.
- Vệ sinh các nhân và giặt giữ quần áo, chăn mền thường xuyên;
- Không để không gian sống bị ẩm mốc, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát sinh.
- Không sử dụng đồ dùng hoặc ngủ chung với người nhiễm bệnh.
- Nếu phát hiện trong gai đình có người bệnh, bạn cần bảo vệ chính bản thân bằng các đồ dùng bảo hộ và đưa họ đến bệnh viện. Cách tốt nhất để hạn chế nguy cơ bị lây bệnh chính là chữa khỏi bệnh.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.