Thoái hoá khớp gối
Mục lục
Thoái hóa khớp gối là gì?
Tìm hiểu chung
Thái hóa khớp gối là bệnh gì?
Khớp gối có vai trò rất quan trọng do gánh toàn bộ cơ thể và là bộ phận hoạt động nhiều nhất. Cũng chính vì vậy nên khớp gối rất dễ bị thoái hóa. Thoái hóa khớp gối là tình trạng sụn khớp gối và xương dưới sụn bị tổn thương như sưng, viêm, giảm dịch khớp gối. Sụn khớp gối có vai trò như một lớp đệm tránh sự cọ xát giữa các đầu xương khi khớp cử động, khi xảy ra tình trạng thoái hóa khớp gối, sụn khớp bị bào mòn dần tới mức chúng không thể che phủ toàn bộ đầu xương dẫn tới tình trạng cọ sát giữa xương đùi, xương chày và gây đau đớn.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối thường diễn tiến âm thầm nên rất khó nhận diện. Các dấu hiệu đầu tiên của bệnh là đau nhức vùng khớp gối, phát ra tiếng kêu lạo xạo khi gập duỗi. Các cơn đau thường xuất hiện ở mặt trước hoặc là trong khớp gối. Diễn tiến tăng nặng của bệnh có thể khiến khớp bị sưng to, xuất hiện u do bị tràn dịch và đi kèm với một số triệu chứng khác như:
- Cứng khớp: Xuất hiện vào buổi sáng khi mới thức dậy hoặc sau khi bất động trên 30 phút.
- Tiếng kêu bên trong khớp: Triệu chứng này sẽ rõ ràng hơn khi bệnh nhân thực hiện cử động mạnh như đang ngồi chuyển sang đứng đột ngột.
- Hạn chế hoặc mất khả năng vận động: Đau nhức thường tăng lên khi hoạt động và giảm khi được nghỉ ngơi, chính vì điều này mà bệnh nhân sẽ hạn chế dần khả năng vận động để giảm những cơn đau nhức tức thời.
- Biến dạng khớp và teo cơ: Những tổn thương trên bề mặt sụn khớp không chỉ gây đau đớn mà còn khiến đùi hoặc chân bị lệch trục.
Biến chứng có thể gặp khi bị thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối có thể dẫn đến những biến chứng như:
- Cứng khớp.
- Hạn chế vận động, đi lại khó khăn, thậm chí phải sử dụng nạng.
- Biến dạng khớp gối, chi dưới bị cong, vẹo vào trong hoặc ra ngoài.
- Teo cơ.
- Bại liệt, tàn phế, phải dùng đến xe đẩy hoặc ngồi xe lăn để hỗ trợ đi lại.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có một trong số những biểu hiện, triệu chứng nêu trên thì rất có thể bạn đã bị thoái hóa khớp gối, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp gối
Khớp gối có vị trí tiếp giáp giữa ba xương: phần dưới của xương đùi, đầu trên của xương chày và mặt sau của xương bánh chè. Do phải gánh trọng lượng của toàn bộ cơ thể và cũng là phần hoạt động nhiều nhất nên phần khớp gối rất dễ bị thoái hóa. Quá trình thoái hóa khớp gối diễn ra trước hết với phần bề mặt sụn khớp bị thương tổn, theo thời gian phần sụn này bị bào mòn dần, trở nên xù xì và mất tính đàn hồi, không còn bảo vệ và bao bọc được đầu xương. Lúc này, các đầu xương có xu hướng cọ xát vào nhau, tăng sự lắng đọng canxi và hình thành các gai xương. Cuối cùng dẫn đến biến dạng khớp, hư khớp.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ thoái hóa khớp gối?
Bệnh thường gặp ở nữ, chiếm 80% trường hợp bởi vì xương của người phụ nữ mỏng và yếu hơn nhiều so với nam giới. Do vậy, khi vận động mạnh sẽ dễ bị tổn thương hơn.
Bên cạnh đó, một số yếu tố làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp gối, bao gồm:
- Tuổi tác: Từ tuổi trung niên trở đi, khả năng sản sinh và tự tái tạo của sụn bị suy giảm dần.
- Chấn thương: Chấn thương gây tác động mạnh đến khớp gối và các phần liên quan như gãy xương bánh chè, đầu dưới xương đùi hay đứt dây chằng,… đều khiến cho sụn khớp bị ảnh hưởng. Khi không điều trị sớm, các thương tổn sẽ khiến khớp gối bị thoái hóa từ từ.
- Thừa cân, béo phì: Theo một số nghiên cứu, nếu trọng lượng cơ thể tăng 0.45kg thì khớp gối phải chịu thêm 1.5kg khi đi và 4.5kg khi chạy. Trọng lượng càng lớn càng tạo áp lực lên 2 khớp gối, sụn khớp nhanh hao mòn và hỏng dần theo thời gian.
- Ảnh hưởng của quá trình mang thai, sinh con: Trong thời gian mang thai, cơ thể của người mẹ có rất nhiều thay đổi, đây cũng là lúc mẹ gặp phải những cơn đau nhức xương khớp thường xuyên. Trải qua quá trình vượt cạn, hệ xương khớp của phụ nữ lại càng yếu hơn và dễ mắc nhiều bệnh hơn.
- Không thường xuyên vận động: Điều này làm các cơ bị lỏng lẻo, khớp xương thiếu độ linh hoạt, cấu trúc cơ, xương, gân, dây chằng dễ bị sai lệch.
- Vận động quá sức: Việc luyện tập thể thao quá mức cũng có thể khiến khớp gối hoạt động nhiều hơn mức cho phép, tăng nguy cơ thoái hóa.
- Chế độ ăn uống không khoa học: Khi bạn ăn uống thiếu chất, bao hoạt dịch sẽ tiết ra ít chất nhờn hơn, xương và các bộ phần xung quanh không được bôi trơn nên hoạt động khó khăn và làm các đầu xương va chạm nhau.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán thoái hóa khớp gối
Bác sĩ thường cho biết bạn có bị thoái hóa khớp gối hay không dựa trên các xét nghiệm hình ảnh.
- Chụp X-quang: Mục đích của việc này là giúp phát hiện dấu hiệu hẹp khe khớp, mọc gai ở thân xương và xương bánh chè, tăng đậm độ xương dưới sụn, hiện tượng vôi hóa ở gân khoeo sau. Hỗ trợ chẩn đoán chính xác từng giai đoạn của bệnh.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Hình ảnh chụp MRI là hình ảnh khớp đầy đủ trong không gian 3 chiều, dựa vào đây các bác sĩ có thể phát hiện được các tổn thương sụn khớp cụ thể, phát hiện tổn thương sụn khớp, dây chằng, màng hoạt dịch.
- Siêu âm khớp: Để đánh giá được các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp làm bệnh nặng thêm như gai xương, tràn dịch khớp, đánh giá độ dày sụn khớp…
- Nội soi khớp: Thường được sử dụng kết hợp với sinh thiết màng hoạt dịch để phân biệt chính xác các bệnh lý liên quan đến khớp.
Phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối hiệu quả
Thoái hóa khớp gối có thể được điều trị theo nhiều cách khác nhau tùy vào mức độ tổn thương và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Các phương pháp có thể kể đến như:
- Trị liệu thần kinh cột sống: Bác sĩ sẽ điều chỉnh cấu trúc sai lệch của khớp gối, khôi phục lại trạng thái tự nhiên ban đầu bằng các thao tác nắn chỉnh.
- Chỉnh hình bàn chân: nhằm chỉnh lại hệ sinh cơ học của bàn chân đã làm mất đi sự cân bằng ở khớp đầu gối.
- Dùng thuốc: Bao gồm thuốc giảm đau thông thường, chống viêm, bổ sung Sulfate Glucosamine, Chondroitin Sulfate, MSM, các chất khoáng vitamin tham gia vào quá trình tổng hợp chuyển hóa nên thành phần sụn.
- Tập vật lý trị liệu: Luyện tập các bài tập chỉnh hình an toàn để cải thiện lâu dài cấu trúc đầu gối, giúp bệnh nhân khôi phục chức năng vận động nhanh chóng.
- Phẫu thuật: Dựa trên kết quả đánh giá tính chất và mức độ nghiêm trọng của tình trạng thoái hóa khớp gối mà bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân phẫu thuật khớp gối. Các phương pháp phẫu thuật thoái hóa khớp gối như: Nội soi làm sạch khớp gối, nội soi cấy ghép tế bào sụn, phẫu thuật đục xương chỉnh trục và thay khớp gối nhân tạo.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của thoái hóa khớp gối
- Duy trì việc tập thể dục hằng ngày và đúng cách, có thể chơi các môn thể thao như bơi lội, đi bộ, đạp xe đạp nhưng cần tránh những động tác quá mạnh, đột ngột và quá sức.
- Chế độ ăn uống đủ chất và khoa học, nên ăn thực phẩm giàu canxi và khoáng chất; tránh ăn nhiều chất béo, tránh dùng rượu bia và các chất kích thích thần kinh gây co cứng cơ.
- Kiểm soát trọng lượng cơ thể, tránh để thừa cân, béo phì.
- Với người phải ngồi làm việc thường xuyên thì sau 1 – 2 giờ ngồi làm việc cần nghỉ giải lao, thay đổi tư thế sau mỗi 20 phút tránh cơ và khớp bị mỏi.
- Xoa bóp khớp gối đều đặn mỗi ngày, vào buổi sáng và chiều, giúp cơ bắp thư giãn, lưu thông máu.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ, chủ động tìm hiểu kiến thức về bệnh lý xương khớp để có cách phòng ngừa kịp thời.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.