Viêm khớp thiếu niên
Mục lục
Viêm khớp thiếu niên là gì?
Tìm hiểu chung
Viêm khớp thiếu niên là gì?
Tổn thương xương khớp tuổi thiếu niên là tên gọi của nhóm bệnh tự miễn dịch, được định nghĩa là tình trạng viêm khớp mạn tính kéo dài trong ít nhất 6 tuần. Hiện nay, viêm khớp tuổi thiếu niên là nhóm bệnh cơ xương khớp rất hay gặp, diễn biến phức tạp, khó nhận biết và nhìn chung vẫn còn gây rất nhiều khó khăn cho các bác sĩ lâm sàng nói chung và các bác sĩ nhi khoa nói riêng trong chẩn đoán, điều trị, theo dõi và tiên lượng bệnh.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm khớp thiếu niên
Các triệu chứng của bệnh viêm thiếu niên khá rõ ràng. Sau đây là những triệu chứng mà người viêm khớp thiếu niên thường gặp phải:
- Cơ thể mệt mỏi, sốt kéo dài mỗi ngày từ 1 đến 2 cơn.
- Nổi ban: Có các dạng dát sẩn, ban đỏ, ban hồng mềm và nhanh chóng biến mất, thường xuất hiện khi sốt cao. Ban là một trong những triệu chứng khá quan trọng. Nếu trong suốt cả quá trình bị bệnh không xuất hiện ban thì việc chẩn đoán bệnh cần phải cân nhắc.
- Với thể viêm một hay vài khớp: Trẻ có những biểu hiện như đau các khớp xương gối, cổ chân, khuỷu tay, bàn tay, bàn chân và các khớp viêm không đối xứng.
- Với thể hệ thống (thể Still): Trẻ có triệu chứng như sốt cao, nổi ban màu hồng và đau ở các khớp viêm, nhất là khớp gối sau đó lan đến khớp cổ tay, cổ chân, ngón tay… Ngoài tổn thương ở khớp, người bệnh còn có thể bị viêm ngoài màng tim, viêm thanh mạc, gan lách hạch to.
- Viêm nhiều khớp yếu tố dạng thấp âm tính: Các khớp viêm ở vị trí như gối, cổ tay, cổ chân… và bị từ 5 khớp trở lên trong 6 tháng đầu tiên của bệnh viêm khớp thiếu niên.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Do đặc thù bệnh viêm khớp thiếu niên tự phát thường bắt đầu ở tuổi thiếu niên, tổn thương nhiều vị trí, có thể có những biến chứng ảnh hưởng xấu đến việc học tập. Vì vậy, khi cơ thể bắt đầu xuất hiện những triệu chứng trên, người bệnh nên đến các cơ sở y tế gặp bác sĩ chuyên khoa để kịp thời khám và chữa trị. Tiến triển của bệnh rất đa dạng, có thể chỉ bị bệnh trong thời gian ngắn không để lại di chứng, nhưng cũng có thể bị bệnh cả đời với những di chứng biến dạng khớp nặng.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến viêm khớp thiếu niên
Nguyên nhân gây bệnh viêm khớp thiếu niên còn chưa được biết rõ, tuy nhiên người ta thống nhất cho rằng bệnh có tính chất tự miễn với tình trạng nhiễm trùng làm khởi động một loạt quá trình trong hệ thống miễn dịch. Bệnh thường khởi phát sau nhiễm virus, Chlamydia, Mycoplasma, Streptococus, Salmonella, Shigella…
Các yếu tố môi trường, đặc biệt các tác nhân nhiễm khuẩn; rối loạn hệ thống miễn dịch… có vai trò quan trọng trong sinh bệnh học của bệnh viêm khớp thiếu niên tự phát.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc viêm khớp thiếu niên?
Bệnh viêm khớp thiếu niên thường xuất hiện ở trẻ em từ 5 – 7 tuổi trở lên. Chính vì vậy, bất kể người lớn hay trẻ em đều phải hết sức cảnh giác trước những dấu hiệu, triệu chứng của bệnh và không được xem thường.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm khớp thiếu niên
Bác sĩ chẩn đoán bệnh viêm khớp thiếu niên bằng cách:
- Xét nghiệm tế bào máu ngoại vi: Xét nghiệm tốc độ lắng máu, thường tăng cao trong thể viêm khớp khởi phát hệ thống (trên 60 mm/giờ đầu). Những thể khác máu lắng có thể bình thường hoặc tăng ở mức độ khác nhau tùy vào tình trạng bệnh.
- Chụp X-quang: Khi chụp X-quang, tùy thể tổn thương mà có thể thấy khớp bình thường hoặc tổn thương mất chất khoáng, bào mòn xương, hẹp khe khớp hay viêm khớp cùng chậu…
- Xét nghiệm miễn dịch di truyền: kháng thể kháng nhân dương tính trên 24 – 48% trẻ viêm khớp mạn tính, đặc biệt hay gặp ở thể viêm một hay vài khớp có tổn thương viêm màng mạch nho. Yếu tố dạng thấp (RF) dương tính chỉ 5% trẻ viêm khớp mạn tính tuy nhiên rất có giá trị tiên lượng và phân loại bệnh. Kháng nguyên HLA B27 thường gặp ở thể viêm cột sống dính khớp. Các kháng nguyên khác như HLA DR1, DR3, DR4, DR8, HLA A2… có thể gặp với tỷ lệ khác nhau trong một số thể bệnh.
Phương pháp điều trị viêm khớp thiếu niên hiệu quả
Bệnh xảy ra ở thiếu niên là đối tượng nhạy cảm, nếu điều trị không đúng dễ xảy ra biến chứng. Khuyến nghị nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám chuyên khoa và điều trị cơ bản bằng thuốc chuyên khoa theo phác đồ. Một số loại thuốc được dùng hiệu quả để điều trị bệnh viêm khớp thiếu niên:
Thuốc chống viêm không steroid được chỉ định ngay khi trẻ được chẩn đoán viêm khớp, dùng một trong các loại sau :
- Aspirin: liều dùng 75 – 90mg/kg cân nặng/ngày.
- Ibuprofen: có thể dùng cho trẻ từ 6 tháng tuổi. Liều dùng: 35mg/kg/ngày (dạng viên), 45mg/kg/ngày (dạng siro) chia 3 lần.
- Naproxen: dùng cho trẻ từ 2 tuổi, dạng viên và dạng siro. Liều dùng: 20 – 30mg/kg/ngày chia 2 lần.
- Piroxicam: < 15kg: 5mg/ngày; 16-25kg: 10mg/ngày; 26 – 45kg: 15mg/ngày, > 46kg: 20mg/ngày. Uống 1 lần.
- Diclofenac: 1-3mg/kg/ngày chia 2 – 3 lần.
Thuốc Corticoid:
- Tiêm tại khớp: Được chỉ định đặc biệt trong thể viêm một hoặc vài khớp, trong trường hợp khớp sưng đau nhiều. Chỉ được tiêm tại những cơ sở y tế có chuyên khoa cơ – xương – khớp, nên tiêm dưới hướng dẫn của siêu âm.
- Điều trị tổn thương mắt: Để điều trị những tổn thương ở mắt, phải được chỉ định và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa mắt… có thể chỉ định các thuốc nhỏ mắt có corticoid như Tobradex (dexamethazone + tobramycin) 5ml; tra mắt 4 – 6 lần/24 giờ.
Với trường hợp nặng hơn sẽ được điều trị ngoại khoa:
- Nội soi khớp: Rửa khớp hoặc cắt bỏ màng hoạt dịch dưới nội soi. Được chỉ định trong những trường hợp viêm khớp kéo dài, không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác, đặc biệt là những khớp lớn như khớp gối, khớp khuỷu, cổ chân.
- Thay khớp nhân tạo: Chỉ định trong trường hợp mất chức năng vận động nhiều.
Ngoài ra, người bệnh sẽ được điều trị vật lí trị liệu. Vật lý trị liệu nhằm duy trì đến mức tối đa tầm vận động của khớp, tránh cứng khớp, dính khớp. Có thể dùng các biện pháp như sóng ngắn, tia hồng ngoại, tắm suối khoáng, tập các bài tập phục hồi chức năng vận động khớp… Tuy nhiên, trong thời gian đau nhiều có thể tạm thời bất động khớp nhưng cần lựa chọn tư thế sao cho giữ được biên độ vận động lớn nhất.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm khớp thiếu niên
Người bệnh tuyệt đối làm theo những hướng dẫn của bác sĩ, không nên tự ý ngưng thuốc khi không có sự cho phép của bác sĩ. Đối với người bệnh tập vật lý trị liệu cần tránh những vận động mạnh ảnh hưởng đến các khớp. Ngoài ra, phải có chế độ ăn uống hợp lý và tập những bài vận động nhẹ nhàng để nhanh chóng kết thúc căn bệnh.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.