Da bọng nước tự miễn Pemphigus

Mục lục

Da bọng nước tự miễn Pemphigus là gì?

Da bọng nước tự miễn Pemphigus hay gọi tắt là Pemphigus là một căn bệnh da tự miễn, đặc trưng bởi các bọng nước xuất hiện trên da hoặc niêm mạc. Các bọng nước này khi vỡ gây lở loét và nhiễm trùng da.

Tìm hiểu chung

Da bọng nước tự miễn Pemphigus là gì?

Da bọng nước tự miễn Pemphigus hay gọi tắt là Pemphigus là một căn bệnh da tự miễn, đặc trưng bởi các bọng nước xuất hiện trên da hoặc niêm mạc. Các bọng nước này khi vỡ gây lở loét và nhiễm trùng da.

Có 3 loại Pemphigus chính là Pemphigus thông thường, Pemphigus sùi và Pemphigus vảy lá. Trong đó hai loại phổ biến nhất là Pemphigus thông thường gây đau và Pemphigus gây ngứa nhiều hơn đau.

Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào nhưng thường gặp nhất ở người trung niên. Khi phát hiện sớm, bệnh có thể được chữa khỏi bằng thuốc đặc trị kết hợp với các phương pháp tương tự với điều trị bỏng.

Đây là một bệnh tự miễn, do cơ thể tự phát sinh nên không có khả năng lây nhiễm.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của da bọng nước tự miễn Pemphigus

Tùy thuộc vào loại Pemphigus gây bệnh mà sẽ có triệu chứng khác nhau, bao gồm:

  • Pemphigus thông thường: Xuất hiện phổ biến ở vùng da hoặc niêm mạc như trong họng, bộ phận sinh dục ngoài. Chúng gây đau đớn hoặc làm cho bạn khó nuốt thức ăn nếu bị ở họng.
  • Pemphigus vảy lá: Những vùng da bị ảnh hưởng sẽ bị chai sần và ngứa ngáy, nhất là ở lưng, vai và ngực.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu các vết phồng rộp này bị vỡ sẽ gây rỉ mủ và nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu, các bệnh liên quan đến vùng da bị ảnh hưởng và nguy hại nhất là gây tử vong do nhiễm trùng. Vì thế, ngay khi cơ thể bạn xuất hiện các bọng nước và những triệu chứng nếu trên, bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được kiểm tra và điều trị. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm thiểu nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Mỗi người một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến chuyên gia để có phương án điều trị thích hợp. Việc tự điều trị tại nhà có thể dẫn đến những tổn thương nguy hiểm khác.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến da bọng nước tự miễn Pemphigus

Nguyên nhân gây ra các bọng nước Pemphigus vẫn chưa được làm rõ nhưng có thể liên quan đến vấn đề tự miễn và rối loạn miễn dịch của cơ thể. Thông thường, cơ thể sản xuất các kháng thể để tấn công những dị nguyên hoặc tác nhân gây hại khi chúng xâm nhập vào cơ thể bạn. Nhưng một số trường hợp, miễn dịch lại tự tiết kháng thể và tác động ngược đến những tế bào khỏe mạnh gây ra hiện tượng này.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu về bệnh này cho rằng bệnh có thể chịu sự tác động của yếu tố di truyền và tế bào.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc bệnh da bọng nước tự miễn Pemphigus?

Bệnh có thể xảy ra với bất cứ độ tuổi và giới tính nào nhưng thường gặp nhất là người ở tuổi trung niên và lớn hơn. Theo thống kê, nhưng năm gần đây bệnh có xu hướng tăng ở Việt Nam.

Một số trường hợp rất hiếm, bọng nước tự miễn Pemphigus gặp ở những người dùng thuốc, nhất là thuốc điều trị huyết áp. Nhưng Bệnh có thể khỏi hẳn sau khi ngưng thuốc.

Bạn có thể làm giảm khả năng mắc bệnh bằng việc hạn chế các yếu tố nguy cơ.


Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh da bọng nước tự miễn Pemphigus

Triệu chứng bọng nước thường rất phổ biến ở nhiều căn bệnh khác nhau nên rất khó trong việc chẩn đoán là do cơ chế tự miễn gây ra. Các bác sĩ có thể chẩn đoán bọng nước tự miễn Pemphigus bằng cách:

  • Quan sát các vị trí bị bọng nước kèm theo tìm hiểu các triệu chứng khác có liên quan.
  • Hỏi bệnh sử.
  • Dấu hiệu Nikolsky: Đây là phương pháp nhằm chẩn đoán bệnh. Dùng tay ấn miết vùng da gần với khu vực bị bóng nước, nếu da có hiện tước tróc, xước thì Nikolsky dương tính, tức có dấu hiệu bị da bọng nước tự miễn Pemphigus.
  • Sinh thiết: Lấy mẫu tế bào da bị phồng rộp và tiến hành xét nghiệm dưới kính hiển vi.
  • Xét nghiệm huyết thanh: để dò tìm các chất tự kháng thể trong máu, chúng thường tăng lên ở những người mắc Pemphigus lần đầu.
  • Nội soi: Trong trường hợp bệnh nhân có hiện tượng khó nuốt, đau hoặc ngứa vùng họng và nghi ngờ có bọng nước phía trong.

Phương pháp điều trị bệnh da bọng nước tự miễn Pemphigus hiệu quả

Điều trị bệnh bao gồm việc làm giảm các triệu chứng của bệnh, hạn chế việc nhiễm trùng và điều trị dứt điểm, tránh nguy cơ tái phát. Do bệnh có tính chất nghiêm trọng và thường dễ tái phát nên cần được điều trị và theo dõi lâu dài, người bệnh cũng cần phối hợp với bác sĩ để đem lại kết quả tốt nhất.

Các thuốc thường dùng để trị bọng nước tự miễn Pemphigus là thuốc chứa steroid và thuốc ức chế miễn dịch corticoid.

Điều trị tại chỗ

  • Dùng thuốc tím pha loãng với nước theo tỉ lệ 1:10.000 để tắm.
  • Bôi dung dịch milian hoặc xanh methylen 2% hoặc mỡ kháng sinh lên vùng da bị ảnh hưởng.
  • Nếu vết loét và nhiễm trùng sâu, rộng thì có thể dùng bột talc để rắc lên để ngăn chặn rỉ dịch và làm vết thương đông lại.
  • Trường hợp vết thương ở họng, miệng thì dùng dung dịch novocain 0.25% để sức miệng, bôi glycerin borat 2% và thuốc an thần.

Điều trị toàn thân

  • Dùng corticoid với liều lượng tùy thuộc vào mức độ trầm trọng của bệnh.
  • Dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch cyclophosphamid hoặc methotrexat để điều trị khi các thuốc khác không mang lại hiểu quả.
  • Kết hợp dùng kháng sinh chống bội nhiễm và vitamin C liều cao để tăng cường thể lực.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bọng nước tự miễn Pemphigus

  • Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ cơ thể và vùng da bị bệnh với khăn sạch (khăn mặt bằng vải lanh) để chống nhiễm trùng và lở loét.
  • Không nên dùng chung khăn với người khác.
  • Tránh các hoạt động hoặc các tác động có thể làm tổn thương da.
  • Không nên ăn các thực phẩm cay nồng hoặc làm kích ứng da như tỏi, ớt, hành,…
  • Tình trạng bị Pemphigus trong họng hoặc khoang miệng thì không dùng các loại thực phẩm cứng, thức ăn khó nuốt vì chúng có thể tổn thương hoặc làm xước niêm mạc.
  • Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
  • Thường xuyên theo dõi bệnh và đến bệnh viện kiểm tra để được hướng dẫn điều trị cụ thể.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan