Béo phì
Mục lục
Béo phì là gì?
Tìm hiểu chung
Béo phì là gì?
Béo phì là một chứng rối loạn phức tạp liên quan đến tình trạng có quá nhiều chất béo trong cơ thể. Béo phì không chỉ ảnh hưởng đến vóc dáng của bệnh nhân mà còn làm tăng nguy cơ bệnh tật và vấn đề sức khỏe như bệnh tim, tiểu đường và huyết áp cao. Béo phì và thừa cân là hai khái niệm khác nhau. Thừa cân là tình trạng cân nặng tăng quá nhiều so với chiều cao không chỉ do dư thừa chất béo mà còn có thể do nhiều cơ bắp hoặc nước trong cơ thể. Tuy nhiên cả hai tình trạng trên đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của béo phì
Người có chỉ số khối cơ thể (BMI) > 25 là thừa cân, ở mức 30 hoặc cao hơn là béo phì và ở mức 40 hoặc cao hơn là béo phì nghiêm trọng. Chỉ số khối cơ thể (BMI) là một cách để biết một người có thừa cân hay không. Công thức tính BMI như sau:
BMI = Cân nặng (kg)/ [chiều cao (m) x chiều cao (m)]
Đối với hầu hết mọi người, BMI giúp ước tính lượng chất béo hợp lý trong cơ thể. Tuy nhiên, chỉ số BMI không trực tiếp đo lượng chất béo trong cơ thể. Ví dụ như ở một số người, cụ thể là vận động viên thể hình có thể có chỉ số BMI ở mức béo phì do cơ bắp của họ phát triển quá nhiều nên chiếm khối lượng lớn mặc dù họ không có chất béo dư thừa trong cơ thể, nên nếu chỉ dựa vào chỉ số BMI sẽ không phản ánh chính xác tình trạng béo phì của bạn. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn có thắc mắc về chỉ số BMI của mình.
Tình trạng béo phì có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến các vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng như cao huyết áp, tiểu đường và bệnh tim mạch vành. Tình trạng này cũng làm tăng viêm khớp, gây khó thở khi gắng sức, ngưng thở khi ngủ và mệt mỏi.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn nghi ngại về tình trạng cơ thể của mình có khả năng bị béo phì hoặc muốn tìm hiểu các thông tin về bệnh béo phì và phương pháp giảm cân hiệu quả, bạn hãy gặp bác sĩ để được tư vấn và kiểm tra.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến béo phì
Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh béo phì là do hấp thu quá nhiều calo. Một số người bị tăng cân rất nhiều mà không rõ lí do vì sao, có thể là do yếu tố di truyền (bố/mẹ di truyền gen mang khuynh hướng tăng cân cho con), các lí do tâm lí (ăn khi bị căng thẳng), hoặc do văn hóa xã hội (được khuyến khích ăn nhiều).
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ bị béo phì?
Bất cứ ai cũng có thể bị béo phì nếu không có một chế độ ăn và tập thể dục phù hợp. Béo phì thường được chẩn đoán ở những người làm việc hành chính, văn phòng và có mức thu nhập trung bình nhưng không quá cao. Ngoài ra, các yếu tố sau cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì:
- Gen di truyền.
- Lối sống gia đình.
- Ít vận động.
- Chế độ và thói quen ăn uống không lành mạnh.
- Hút thuốc.
- Thiếu ngủ.
- Sử dụng một số loại thuốc nhất định.
- Tuổi tác.
- Các vấn đề về tâm lý.
- Các vấn đề về y tế.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán béo phì
Để chẩn đoán bệnh béo phì, bác sĩ sẽ khám lâm sàng và hỏi về tiền sử bệnh, thói quen ăn uống, mức độ tập thể dục của bạn, sau đó, bác sĩ có thể tiến hành hai phương pháp phổ biến nhất để đánh giá trọng lượng và đo lường rủi ro sức khỏe liên quan đến cân nặng.
Phương pháp điều trị béo phì hiệu quả
Có thể áp dụng chế độ ăn kiêng, tập thể thao và phẫu thuật để điều trị bệnh béo phì. Chuyên gia dinh dưỡng sẽ giúp bạn lên một thực đơn ăn uống phù hợp với nhu cầu cơ thể và hạn chế được lượng calo không cần thiết. Bên cạnh đó, bạn cần tạo một bảng kiểm tra về cân nặng để đánh giá việc giảm cân qua ăn uống và thể dục.
Những yếu tố then chốt bạn cần chú ý để giúp bạn xây dựng một bữa ăn khoa học:
- Lựa chọn thực phẩm lành mạnh.
- Xem thành phần dinh dưỡng của thực phẩm, nhất là lượng calo của chúng.
- Chọn lựa những món ăn nhẹ phù hợp đi kèm với bữa chính.
- Học cách chế biến thức ăn giữ được dinh dưỡng của thực phẩm và hạn chế chất béo.
- Phân chia khẩu phần ăn hợp lý.
Một lối sống năng động, tập thể dục nhiều và ăn uống lành mạnh là cách an toàn nhất để giảm cân và cải thiện sức khỏe của bạn.
Nên hạn chế thói quen ăn vặt vì stress thông qua các phương pháp giảm stress khác như yoga, tập thể dục hoặc dùng thuốc. Hãy liên hệ với bác sĩ nếu bạn bị trầm cảm và stress nghiêm trọng.
Một vài loại thuốc (thuốc kích thích) có thể làm giảm cân và gây ra tác dụng phụ. Chỉ nên dùng thử cách này sau khi áp dụng chế độ ăn kiêng và tập thể dục, phải sử dụng thuốc dưới sự giám sát trực tiếp của bác sĩ.
Nếu bạn mắc bệnh béo phì (trên mức 100% trọng lượng lý tưởng của cơ thể hoặc có chỉ số BMI cao hơn 40) và những phương pháp giảm béo khác không hiệu quả thì có thể xem xét đến biện pháp phẫu thuật, chẳng hạn như phẫu thuật thu nhỏ dạ dày, băng dạ dày hoặc thắt dạ dày.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của béo phì
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Thông báo với bác sĩ về những loại thuốc bạn sử dụng.
- Duy trì lối sống tích cực, năng động, hạn chế sự căng thẳng.
- Chủ động tìm hiểu về cách giảm cân khoa học, những điều nên và không nên làm để giảm cân.
- Hãy tập luyện thói quen ngăn cảm giác thèm ăn. Thay vì ăn các thực phẩm gây tăng cân, ngay lúc đó bạn có thể thay thế chúng bằng cách ăn các thực phẩm lành mạnh, vừa giúp bạn qua cơn thèm, vừa tốt cho sức khỏe.
- Liên hệ ngay với bác sĩ nếu bạn vẫn tăng cân mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình giảm cân, hoặc khi xảy ra những vấn đề sau phẫu thuật.
- Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến cân nặng.
- Giảm cân là quá trình lâu dài, điều bạn cần làm đặt ra mục tiêu cụ thể trong thời gian ngắn hạn và dài hạn, tuân thủ quy trình giảm cân khoa học và kiên trì để đặt mục tiêu đó.
- Tập viết nhật ký giảm cân, những gì bạn đã làm, các thực phẩm bạn đã ăn trong ngày để đánh giá và xem hiệu quả của nó.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.