Rối loạn trí nhớ

Mục lục

Rối loạn trí nhớ là gì?

Rối loạn trí nhớ là kết quả của việc cấu trúc hệ thần kinh bị tổn thương, gây ra những cản trở cho việc lưu trữ và duy trì ký ức.

Tìm hiểu chung

Rối loạn trí nhớ là bệnh gì?

Trí nhớ là quá trình tâm lý phản ánh những kinh nghiệm, tri thức của con người bằng cách ghi nhận, bảo tồn và tái hiện lại chúng dưới dạng biểu tượng, ý niệm và ý tưởng. Rối loạn trí nhớ là kết quả của việc cấu trúc hệ thần kinh bị tổn thương, gây ra những cản trở cho việc lưu trữ và duy trì ký ức.

Bệnh không chỉ xảy ra đối với người cao tuổi mà đến với cả những người trẻ, do sự tác động của nhiều bệnh lý khác nhau.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn trí nhớ

  • Giảm trí nhớ: Những sự việc mới xảy ra khó nhớ hơn những sự việc cũ, biểu hiện sớm nhất là hiện tượng suy yếu khả năng tái hiện hồi ức, gặp trong loạn thần tuổi già, suy nhược thần kinh…
  • Tăng trí nhớ: Hiệu quả nhớ của người bệnh tăng một cách bệnh lý, cao hơn hẳn so với những người khác. Đa số các bệnh nhân chỉ nhớ đến một loại kích thích nhất định, như những ký ức sâu sắc.
  • Mất trí nhớ: Trong thời điểm, hoàn cảnh nhất định, người bệnh không thể nhớ được chuyện đã xảy ra trong quá khứ.
  • Loạn trí nhớ: Lệch lạc về chất lượng các “dấu ấn” được tạo ra, thay đổi một cách bệnh lý về chất lượng, thuộc tính của quá trình nhớ.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bệnh nhân có các triệu chứng thường xuyên nhầm lẫn, mất phương hướng và thay đổi tính tình… thì nên đến cơ sở chuyên môn để được thăm khám và xác định bệnh sớm. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm thiểu nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn trí nhớ

  • Ảnh hưởng bệnh lý tâm thần: Rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt, động kinh… làm giảm sự tập trung và chú ý khiến biểu hiện cảm xúc hao mòn, tư duy nghèo nàn, ý chí suy giảm, hoạt động yếu đi, dẫn đến không thiết làm việc gì, khả năng lao động, học tập cũng như trí nhớ đều giảm.
  • Sau chấn thương sọ não, bao gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn cấp tính và giai đoạn muộn. Các rối loạn tâm thần là hậu quả muộn của chấn thương sọ não.
  • Do các bệnh nhiễm khuẩn như viêm não, màng não do vi khuẩn, virus, viêm màng não lao, sốt rét ác tính thể não…
  • Nhiễm các chất độc thâm nhập vào cơ thể tác động lên hệ thần kinh trung ương, gây tổn thương thần kinh và các rối loạn tâm thần rất đa dạng, cấp tính hoặc kéo dài.
  • Do stress, khiến ảnh hưởng nghiêm trọng đối với trí nhớ, đặc biệt là phản ứng stress cấp tính.
  • Rối loạn phân ly khi bệnh nhân ở trong các điều kiện không thuận lợi về tinh thần cũng như thể chất, các rối loạn có thể phát thành “dịch” trong một tập thể.
  • Chậm phát triển tâm thần và động kinh.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị rối loạn trí nhớ?

Bệnh có thể xảy đến với tất cả mọi người.

Thường ảnh hưởng đến người cao tuổi do các chức năng ở não bộ dần bị thoái hóa.

Yếu tố làm tăng nguy cơ rối loạn trí nhớ, bao gồm:

  • Chấn thương não.
  • Sử dụng quá nhiều rượu.
  • Huyết áp cao (tăng huyết áp) và bệnh tiểu đường.
  • Người có trình độ học vấn, tình trạng thể chất, tinh thần và xã hội ở mức thấp.
  • Những người có đột biến gen APOE (apolipoprotein E).

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán rối loạn trí nhớ

Bác sĩ sẽ hỏi về một số vấn đề có thể liên quan đến bệnh rối loạn trí nhớ như: Thuốc bạn đã uống, chế độ dinh dưỡng hằng ngày, tiền sử bệnh lý,… Đồng thời, khám lâm sàng được tiến hành bao gồm xét nghiệm máu, nước tiểu, CT não. Những xét nghiệm này sẽ hỗ trợ bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây bệnh.

Bài kiểm tra về năng lực nhận thức và khả năng ghi nhớ có thể được thực hiện.

Phương pháp điều trị rối loạn trí nhớ hiệu quả

Phần lớn các rối loạn về trí nhớ có thể chữa trị được. Các biện pháp thường dùng:

  • Nếu rối loạn trí nhớ do các giác quan bị suy yếu (mắt nhìn hoặc tai nghe không rõ): Có khi chỉ cần tăng cường chức năng cho các giác quan đó (thay kính hoặc chọn một máy trợ thính thích hợp) để lấy lại trí nhớ.
  • Nếu nguyên nhân gây rối loạn trí nhớ là các bệnh lý về mạch (cholesterol quá cao, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp), cần điều trị kịp thời để tránh làm cản trở tuần hoàn nuôi dưỡng tế bào não và tim.
  • Nếu suy giảm trí nhớ do lao lực quá độ hoặc stress về tinh thần (thường xảy ra ở người trẻ), cần tạo điều kiện nghỉ ngơi thư giãn,  tránh dùng thuốc an thần, thuốc gây ngủ vì chúng làm hại trí nhớ.
  • Nếu thuốc là nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ có thể sẽ thay đổi những loại thuốc có tác dụng tương đương cho bạn.
  • Tập thể dục não bằng cách học thuộc lòng một bài hát, một bài thơ…, ghi chép vào sổ tay những điều cần nhớ.

Tùy vào thể trạng và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh rối loạn trí nhớ

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.
  • Tập thể dục thường xuyên để tinh thần tỉnh táo, lạc quan và xóa tan sự căng thẳng.
  • Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, người thân của bệnh nhân hãy nói chuyện với họ và hỗ trợ họ trong vấn đề sinh hoạt.
  • Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ khi bạn muốn sử dụng các loại thực phẩm chức năng hỗ trợ dinh dưỡng cho trí não.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung đủ nước.
  • Có chế độ ăn uống hợp lý với các muối khoáng giúp não hoạt động tốt như canxi, phốt pho, kali.
  • Bổ sung các axít béo có trong dầu cá (đặc biệt là axit docosahex acnoic), vitamin A, B1, B6, B9, B12, C… đều cần thiết cho sự tái tạo và hoạt động của tế bào não (phần lớn các chất kể trên có trong thịt, cá, trứng, sữa, ngũ cốc, rau quả…).
  • Nên ngừng hẳn việc sử dụng các loại thức uống có cồn vì chúng có thể làm tổn thương não nghiêm trọng, không thể phục hồi.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

  • Cải thiện lối sống sinh hoạt hằng ngày.
  • Không để stress.
  • Nên có lịch trình làm việc cụ thể, đúng giờ giấc.
  • Không thức khuya.
  • Ăn uống đầy đủ và khoa học.
  • Ăn nhiều thực phẩm có chất chống oxy hóa như rau và trái cây tươi.
  • Uống đủ nước.
  • Vận động thường xuyên và đều đặn.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan