Nhiễm Leptospira
Mục lục
Nhiễm Leptospira là gì?
Tìm hiểu chung
Nhiễm Leptospira là bệnh gì?
Nhiễm Leptospira ( hay còn gọi là bệnh xoắn khuẩn vàng da) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do xoắn khuẩn Leptospira gây ra. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường da và niêm mạc. Đây là bệnh của động vật truyền sang người với các triệu chứng đa dạng từ nhiễm khuẩn thể ẩn, thể nhẹ không có vàng da hoặc không có biểu hiện viêm màng não đến các triệu chứng cấp tính điển hình như vàng da nặng (hay còn gọi là hội chứng Weil). Nhiễm Leptospira có thể gây tử vong.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng khi nhiễm Leptospira
Thời gian ủ bệnh thông thường là 10 ngày. Tuy nhiên, có thể từ 2 – 30 ngày. Bệnh đặc trưng với các triệu chứng sau:
- Sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C, rét run kéo dài 5 – 7 ngày, sau đó khỏi hẳn hoặc 2 – 5 ngày sau sốt lại.
- Đau cơ, nhất là ở chân, vùng thắt lưng, đau tự nhiên hoặc đau tăng lên khi sờ, nắn bóp vào cơ bụng chân, mệt lử.
- Hội chứng màng não: Đau đầu dữ dội, vật vã, mê sảng, cứng gáy. Có biểu hiện viêm màng não nước trong tăng tế bào lympho.
- Xung huyết ở màng tiếp hợp nên mắt đỏ và ở da toàn thân đỏ, đôi khi phát ban.
- Hội chứng gan – thận: Đái ít, nếu diễn biến nặng có thể gây vô niệu, có protein niệu, tăng urê huyết. Vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm mau (tuy nhiên có chủng Leptospira không có biểu hiện vàng da).
Biến chứng có thể gặp khi nhiễm Leptospira
Các biến chứng của nhiễm bệnh:
- Viêm màng não.
- Suy thận cấp.
- Viêm gan.
- Xuất huyết nhiều nơi.
- Hội chứng Weil.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi bạn phát hiện các dấu hiệu hoặc triệu chứng trên thì cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến nhiễm Leptospira
Xoắn khuẩn Leptospira kí sinh trong ống thận của động vật hoang dã và súc vật nuôi gần người. Khi động vật đi tiểu, xoắn khuẩn theo nước tiểu ra môi trường bên ngoài sau đó lây bệnh cho người qua vết thương hở trên da.
Xoắn khuẩn Leptospira mang hình xoắn, mảnh, có móc ở hai đầu. Loại xoắn khuẩn này có sức đề kháng cao hơn các loại xoắn khuẩn khác và có thể sống trong môi trường nước, chịu được lạnh và tồn tại trong nhiệt độ thường ở môi trường máu đã loại tơ huyết khoảng 1 tuần.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ nhiễm Leptospria?
Bệnh xoắn khuẩn vàng da lưu hành rộng rãi ở hầu khắp mọi nơi, kể cả vùng nông thôn và thành thị thuộc các nước phát triển và đang phát triển, trừ các vùng cực của trái đất. Đây cũng là một bệnh có tính nghề nghiệp với nguy cơ khác nhau như: nông dân, ngư nghiệp, công nhân lâm nghiệp, vệ sinh, mỏ, chăn nuôi, thú y và quân đội… Thông thường, bệnh xuất hiện tản phát do bị nhiễm Leptospira một cách ngẫu nhiên nhưng cũng có khi xảy ra thành dịch, nhất là ở những nơi vệ sinh môi trường lao động kém và công nhân không được trang bị bảo hộ vệ sinh lao động đầy đủ.
Yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm Leptospira
Leptospira có trong nước hoặc đất ẩm ướt đã bị ô nhiễm nước tiểu súc vật. Chúng có thể xâm nhập vào cơ thể qua da (đặc biệt là chỗ da bị xước), chui qua lỗ chân lông của da hoặc qua niêm mạc khi bạn tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm hoặc đi bơi ở hồ.
Ngoài ra, bạn cũng có thể nhiễm Leptospira tiếp xúc trực tiếp với nước tiểu hoặc mô súc vật bị nhiễm xoắn khuẩn hoặc khi có các yếu tố sau:
- Ăn phải thức ăn bị nhiễm nước tiểu của chuột.
- Tiếp xúc qua da, niêm mạc đối với bác sĩ thú y, người chăn nuôi súc vật trong điều kiện vệ sinh chuồng trại kém, nhất là ở các trại nuôi lợn, ngư dân, nông dân làm việc trên những cánh đồng trũng, công nhân làm việc trên đầm lầy, hầm mỏ hoặc vệ sinh cống rãnh…
- Bệnh cũng thường xảy ra trong mùa mưa, nhất là ở vùng lụt lội hoặc người bơi lội trong ao, hồ bị nhiễm Leptospira từ súc vật.
- Leptospira có thể lây từ người sang người.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh nhiễm Leptospira
Chẩn đoán xác định nhờ tìm được xoắn khuẩn trong máu hay trong nước tiểu.
Ngoài ra còn có thể xác định bằng các xét nghiệm huyết thanh và kỹ thuật PCR.
Phương pháp điều trị bệnh nhiễm Leptospira hiệu quả
Khi điều trị bệnh, nếu bệnh nhân có dấu hiệu suy thận sẽ được bù nước điện giải, sử dụng thuốc chống lợi tiểu hoặc trợ tim, truyền máu (nếu xuất huyết có sốc), hồi sức hô hấp và lọc ngoại thận nếu cần thiết trong các tình trạng nặng.
Xoắn khuẩn nhạy cảm với hầu hết các kháng sinh thông thường. Trường hợp nặng nên dùng penicillin G, amoxicillin, ampicillin hoặc erythromycin đường tĩnh mạch.
Trường hợp bệnh nhẹ có thể dùng tetracyclin, doxycyclin, amoxicillin hoặc ampicillin bằng đường uống.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh nhiễm Leptospira
- Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi có những cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với các nguồn bệnh, rửa tay thường xuyên với xà phòng.
- Chú ý nghỉ ngơi hợp lý, uống nhiều nước, tránh hoạt quá sức, bị căng thẳng.
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
Để tránh nhiễm phải Leptospira bạn cần phải có những hiểu biết cơ bản cũng như có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả:
- Tuyên truyền giáo dục sức khoẻ. Cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh xoắn khuẩn vàng da cho mọi người, nhất là ở nơi có bệnh lưu hành địa phương, nơi có ổ dịch tiềm tàng và môi trường lao động có nguy cơ nhiễm Leptospira từ nước tiểu vật nuôi.
- Diệt chuột, tránh tiếp xúc với nước tiểu và động vật chết.
- Sử dụng găng tay, ủng bảo hộ khi phải làm việc trong môi trường có nhiều xoắn khuẩn như khai thông cống rãnh, làm mỏ, cày ruộng…
- Theo dõi định kỳ sức khỏe của người làm các nghề nghiệp có nguy cơ mắc xoắn khuẩn cao.
- Trường hợp mới nhiễm có thể dùng doxycyclin 200mg, liều duy nhất mỗi tuần.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.