Ung thư Amidan khẩu cái
Mục lục
Ung thư Amidan khẩu cái là gì?
Thứ tư ngày 04/04/2018
Tìm hiểu chung
Ung thư Amidan khẩu cái là gì?
Là một trong những loại ung thư tai mũi họng phổ biến ở nước ta, ung thư amidan khẩu cái bao gồm nhiều khối u thành hố amidan, trụ trước và trụ sau. Trong rất nhiều trường hợp khó xác định được điểm xuất phát ban đầu là amidan hay là thành hố amidan vì chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư Amidan khẩu cái
Thực tế rất hiếm bệnh nhân đến khám ở giai đoạn đầu vì không có dấu hiệu, triệu chứng gì bộc lộ ra ngoài. Bệnh đã tiến triển một thời gian thì sẽ bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu, triệu chứng sau đây:
- Cảm giác khó nuốt như có dị vật trong họng, dị vật này ở một vị trí cố định bên trong họng. Lâu dần cảm giác khó nuốt này chuyển sang nuốt đau, mỗi khi nuốt thức ăn thì đau nhói lên tai;
- Khạc đờm có máu;
- Xuất hiện tình trạng viêm nhiễm amidan;
- Xuất hiện mùi hôi từ miệng ra;
- Phát âm khi nói không rõ ràng, phát âm giọng mũi nghe như đang ngậm cái gì đó trong miệng.
Ở một số bệnh nhân còn xuất hiện các dấu hiệu, tình trạng khác nữa nhưng do không phổ biến nên không được đề cập.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến ung thư Amidan khẩu cái
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư amidan khẩu cái, phổ biến nhất là:
- Người có tiền sử hút thuốc, uống rượu bia nhiều.
- Người mắc các bệnh ung thư đường tiêu hóa, đường hô hấp các tế bào ung thư di căn đến khu vực amidan và gây bệnh tại đây.
- Người từng chấn thương hoặc viêm nhiễm amidan hoặc chấn thương, viêm nhiễm biểu mô vùng họng miệng.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc ung thư Amidan khẩu cái?
Với nhiều nguyên nhân khác nhau, bệnh ung thư amidan khẩu cái có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng giới tính hay lứa tuổi nào. Tuy nhiên, tỉ lệ mắc bệnh cao nhất là ở nam giới trong độ tuổi từ 40 đến 60 tuổi.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư Amidan khẩu cái, bao gồm:
- Hút thuốc lá, uống nhiều rượu, bia và các chất kích thích.
- Có tiền sử mắc bệnh ung thư về đường tiêu hóa, hệ hô hấp.
- Có tiền sử chấn thương vùng họng, miệng gây viêm nhiễm hoặc một số bệnh lý liên quan.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư Amidan khẩu cái
Điều tra bệnh sử và khám tổng quát là bước đầu tiên để các bác sĩ tìm hiểu về tình trạng bệnh của bệnh nhân.
Bệnh nhân sẽ được tiến hành các xét nghiệm như siêu âm, chụp X-quang, chụp CT hoặc MRI để biết hình ảnh hiện tại bên trong khu vực amidan như thế nào.
Sinh thiết biểu mô là phương pháp hiện tại được áp dụng nhiều nhất để điều tra tìm ra nguyên nhân thực sự gây bệnh.
Sau khi đã có các kết quả xét nghiệm, các bác sĩ sẽ đưa ra những chẩn đoán chuẩn xác nhất, giải pháp điều trị phù hợp nhất với nguyên nhân, tình trạng bệnh và sức khỏe của từng bệnh nhân.
Phương pháp điều trị ung thư Amidan khẩu cái hiệu quả
- Phương pháp tia xạ để tiêu diệt các khối u lớn có nguy cơ di căn sang các cơ quan khác.
- Phương pháp phẫu thuật: Để loại bỏ các khối u còn sót lại hoặc trường hợp u tái phát và không thể dùng phương pháp tia xạ được nữa.
- Hóa trị liệu: Các bác sĩ sẽ cân nhắc nhiều yếu tố tình trạng bệnh của bệnh nhân rồi mới sử dụng phương pháp này để hạn chế đến mức thấp nhất các biến chứng có thể xảy ra.
- Dùng thuốc: Trong quá trình điều trị, bệnh nhân sẽ được sử dụng một số loại thuốc chủ yếu phục vụ mục đích hạn chế các cơn đau, đồng thời chống lại tình trạng viêm nhiễm.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư Amidan khẩu cái
- Bỏ hút thuốc lá, uống rượu bia và các chất kích thích.
- Tái khám thường xuyên, đúng hẹn.
- Thực hiện chế độ ăn uống phù hợp với tình trạng bệnh, chế độ này được tham khảo từ các chuyên gia dinh dưỡng và các bác sĩ điều trị.
- Uống thuốc đúng liều, đúng giờ; tuyệt đối không được tự ý bỏ thuốc.
- Có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.
- Liên hệ ngay với các bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào bất thường xảy ra.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.