Ung thư ống hậu môn

Mục lục

Ung thư ống hậu môn là gì?

Sự xuất hiện của các tế bào khối u ác tính trong các mô ở ống hậu môn được gọi là ung thư ống hậu môn, bệnh này thường là ung thư biểu mô lớp Malpighi với các hình ảnh đại thể như: thể sùi, thể loét và thể chai.

Tìm hiểu chung

Ung thư ống hậu môn là gì?

Ống hậu môn được miêu tả là một đoạn dài từ 2.5cm đến 3cm tính từ bờ hậu môn đến đường hậu môn trực tràng. Tính trên phương diện giải phẫu, ung thư ống hậu môn là ung thư trực tràng đoạn đáy chậu.

Sự xuất hiện của các tế bào khối u ác tính trong các mô ở ống hậu môn được gọi là ung thư ống hậu môn, bệnh này thường là ung thư biểu mô lớp Malpighi với các hình ảnh đại thể như: thể sùi, thể loét và thể chai.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư ống hậu môn

Ở giai đoạn đầu, bệnh thường có các dấu hiệu, triệu chứng đó là: đi đại tiện ra máu nhẹ, các vết loét ở hậu môn rất lâu lành.

Ở giai đoạn sau thì xuất hiện các dấu hiệu, triệu chứng sau đây:

  • Đau hậu môn, phân són, có vết loét cứng, đau, dễ chảy máu và chảy máu nhiều;
  • Khối u dính vào cơ thắt ở hậu môn, ngày càng lan ra;
  • Ở bẹn có hạch to, đau;
  • Xuất hiện dịch bất thường; ngứa hậu môn; đau và có sức ép lớn quanh hậu môn.

Có một số bệnh nhân không xuất hiện bất cứ dấu hiệu, triệu chứng nào cho đến khi bệnh đã rất nặng. Ở một số bệnh nhân có các dấu hiệu, triệu chứng khác nhưng do không phổ biến nên không được đề cập.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nhận thấy sự xuất hiện của bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng trên thì hãy đến ngay bệnh viện lớn để thăm khám, xét nghiệm và được chẩn đoán điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa.

Tuyệt đối không được thờ ơ với những điều bất thường xảy ra với cơ thể, vì như thế bệnh tiến triển nhanh hơn, đến lúc phát hiện thì khó điều trị và gặp phải không ít biến chứng nặng nề.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến ung thư ống hậu môn

Chưa có một nghiên cứu khoa học nào kết luận chính xác nguyên nhân gây bệnh ung thư ống hậu môn. Tuy nhiên, việc nhiễm virus HPV – loại virus lây qua đường quan hệ tình dục là một trong những yếu tố lớn làm tăng nguy cơ ung thư ống hậu môn.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn cho rằng các gen đột biến cũng là một trong những khả năng là nguyên nhân gây bệnh.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc ung thư ống hậu môn?

Bệnh ung thư ống hậu môn là căn bệnh không quá phổ biến; theo thống kê thì nam giới từ 50 tuổi trở lên có tỉ lệ mắc bệnh cao nhất, cao hơn tỉ lệ nữ giới mắc bệnh; ngoài ra những người bị lây nhiễm HPV do quan hệ tình dục không an toàn cũng chiếm tỉ lệ cao và có xu hướng ngày càng trẻ hóa.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư ống hậu môn, bao gồm:

  • Suy giảm hệ miễn dịch; mắc bệnh virus HIV.
  • Quan hệ tình dục không an toàn, quan hệ quan đường hậu môn.
  • Quan hệ tình dục cùng lúc với nhiều người.
  • Bị nhiễm virus HPV và xuất hiện mụn cóc ở hậu môn.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư ống hậu môn

Đầu tiên, các bệnh nhân sẽ được tiến hành điều tra bệnh sử và khám tổng quát, đặt nền tảng cho quá trình điều tra bệnh, định hướng điều trị.

Tiếp đến các bệnh nhân sẽ được thực hiện các phương pháp xét nghiệm máu với xét nghiệm qua hình ảnh như nội soi, chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT scan), chụp cộng hưởng từ MRI hoặc sinh thiết biểu mô ống hậu môn để tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh, nhiễm virus loại nào, vị trí và kích thước khối u, tình hình khối u có di căn sang các cơ quan khác chưa.

Sau khi có đầy đủ các kết quả, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận, giải pháp điều trị phù hợp nhất với cơ địa sức khỏe, tình trạng bệnh của từng bệnh nhân.

Phương pháp điều trị ung thư ống hậu môn hiệu quả

Ung thư ống hậu môn có khả năng chữa khỏi cao hơn so với các bệnh ung thư khác. Quá trình điều trị và giải pháp điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố: vị trí, kích thước khối u, độ sâu khối u và khối u đó đã di căn sang bộ phận khác chưa.

Phương pháp điều trị phổ biến nhất đó là phẫu thuật cắt bỏ khối u và các mô xung quanh khối u ở ống hậu môn.

Trong quá trình điều trị, tùy tình hình mà các bác sĩ sẽ phối hợp nhiều giải pháp để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, giảm thiểu các biến chứng có thể xảy ra.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư ống hậu môn

  • Quan hệ tình dục an toàn, lành mạnh.
  • Có chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu hỗ trợ điều trị bệnh; chế độ ăn được tham khảo từ các chuyên gia dinh dưỡng hoặc các bác sĩ chuyên khoa điều trị.
  • Tăng cường vận động thân thể, luyện tập thể dục thể thao.
  • Uống đủ nước, ngủ đủ giấc.
  • Trong quá trình điều trị thì tuân theo mọi sự hướng dẫn, chỉ định của các bác sĩ điều trị.
  • Khi xuất hiện điều bất thường xảy ra thì phải liên hệ ngay với bác sĩ để có giải pháp ứng phó kịp thời rồi đến ngay bệnh viện để tiện theo dõi.

 

Ung thư là căn bệnh nguy hiểm nhưng không có nghĩa là bệnh không thể điều trị được. Điều quan trọng nhất trong việc chống lại ung thư chính là người bệnh cần có thái độ lạc quan và kiên trì điều trị bệnh. Thực tế cho thấy, những người có thái độ sống tích cực kết hợp với phương pháp điều trị hợp lý đã kéo dài được tuổi thọ và chống lại được căn bệnh ung thư.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan