Ung thư túi mật
Mục lục
Ung thư túi mật là gì?
Tìm hiểu chung
Ung thư túi mật là gì?
Ung thư túi mật là một bệnh lý tương đối hiếm gặp và có tiên lượng xấu. Đây là bệnh lý mà trong đó các tế bào ác tính (ung thư) hình thành trong các mô của túi mật, nó có thể phát triển vượt ra ngoài túi mật và lây lan sang các khu vực khác của cơ thể. Bệnh khó điều trị do ung thư lan rộng, nhanh, và thường di căn vào các cơ quan kế cận, nhất là vào gan làm cho việc cắt bỏ vô cùng khó khăn.
Nếu được chẩn đoán sớm, nó có thể được chữa khỏi bằng cách loại bỏ túi mật, một phần của gan và các hạch bạch huyết có liên quan. Tuy nhiên phần lớn bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn khi các triệu chứng như đau bụng, vàng da và nôn xảy ra, và nó đã lan rộng đến các cơ quan khác như gan.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư túi mật
Ung thư túi mật giai đoạn đầu không có những biểu hiện lâm sàng đặc trưng, hoặc chỉ có những biểu hiện của bệnh viêm túi mật mạn tính. Vì vậy các bệnh nhân có hiện tượng đau hoặc khó chịu ở vùng gan mật, đặc biệt là người trung niên và cao tuổi trên 50 đã từng bị sỏi mật, viêm túi mật, polyp túi mật… nên đi khám định kỳ để được phát hiện sớm.
Các triệu chứng chỉ rõ ràng khi tế bào ung thư đã phát triển và xâm lấn:
- Rối loạn tiêu hóa như ợ hơi, dạ dày hẹp, sợ dầu mỡ…
- Đau bụng trên bên phải: Đau âm ỉ kéo dài ở vùng bụng bên phải, đôi khi có những cơn đau đột ngột lan đến vai phải;
- Xuất hiện khối u vùng bụng bên phải: làm kích thước của túi mật tăng lên rõ rệt;
- Vàng da, ngứa da: Thường gặp ở những bệnh nhân ung thư túi mật giai đoạn cuối;
- Sốt và giảm cân: 25% số bệnh nhân sẽ xuất hiện triệu chứng sốt cao, chủ yếu do nhiễm trùng ống mật. Bệnh nhân giai đoạn cuối thường gầy đi nhanh, thể chất suy mòn kiệt quệ.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất cứ biểu hiện nào khác thường như đã nêu trên, bạn nên đến gặp bác sĩ để được xét nghiệm và tư vấn sớm. Nên lưu ý rằng chẩn đoán và điều trị sớm có thể ngăn chặn ung thư túi mật trở nên tồi tệ hơn, và việc điều trị cũng sẽ dễ dàng hơn.
Mỗi người một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến chuyên gia để có phương án điều trị thích hợp. Việc tự điều trị mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa có thể dẫn đến những tổn thương nguy hiểm khác.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến ung thư túi mật
Hiện tại các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ung thư túi mật. Tuy nhiên có một số yếu tố được cho là làm tăng nguy cơ mắc ung thư túi mật bao gồm:
- Giới tính: Nữ giới có nguy cơ mắc ung thư túi mật cao hơn nam giới.
- Tuổi tác: Thường gặp ở người lớn tuổi hơn. Độ tuổi trung bình của bệnh nhân ung thư túi mật là 72 tuổi.
- Chủng tộc và địa lý: Ung thư túi mật phổ biến hơn nhiều ở Ấn Độ, Pakistan và Trung Âu và các nước Nam Mỹ.
- Tiền sử gia đình cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Béo phì, thừa cân.
- Từng mắc sỏi mật.
- Vôi hóa túi mật.
- Polyp túi mật: kích thước Polyp lớn hơn 10 mm hoặc có xu hướng tăng nhanh sau lần chẩn đoán đầu tiên có khả năng bị ung thư rất cao.
- Tiếp xúc với hóa chất và môi trường ô nhiễm: Có thể mắc phải nhiều hơn ở người lao động trong các ngành công nghiệp cao su và dệt may hơn so với ngành nghề khác.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ bị ung thư túi mật?
Nữ giới ở độ tuổi hơn 60 dễ mắc bệnh hơn nam giới. Bạn cũng có thể kiểm soát bệnh bằng cách giảm thiểu nguy cơ tăng khả năng mắc bệnh như:
- Những người béo phì có nguy cơ cao mắc bệnh hơn.
- Tiền sử mắc bệnh sỏi mật.
- Bệnh túi mật và tình trạng bệnh khác như: vôi hóa túi mật, u nang ống mật chủ và nhiễm trùng túi mật mạn tính.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư túi mật
Khi đến khám bệnh với các triệu chứng nghi ngờ bị ung thư túi mật, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám để chẩn đoán theo trình tự, dựa vào việc hỏi bệnh sử và khám lâm sàng.
Một số xét nghiệm được làm thêm khi có nghi ngờ mắc ung thư túi mật, bao gồm:
- Xét nghiệm máu: bilirubin máu, albumin, phosphatase kiềm, men gan giúp xác định bất thường nếu có ở túi mật, ống dẫn mật và gan.
- Xét nghiệm hình ảnh: X-quang, từ trường hoặc sóng âm giúp tìm hiểu khu vực nghi ngờ ung thư và độ lan rộng của khối u.
- Siêu âm: Để tái hiện hình ảnh của cơ quan nội tạng, có thể giúp phát hiện một nửa số bệnh nhân ung thư túi mật. Siêu âm có thể kết hợp với nội soi ổ bụng để tăng độ chính xác.
- Chụp cắt lớp (CT): Có thể giúp xác định khối u bên trong túi mật, ngay cả khi khối u đã di căn ra ngoài.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Cho phép phát hiện khối u ngay cả khi nó đã xâm nhập vào gan hoặc mới chỉ phát triển trong túi mật.
- Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP): Một lượng nhỏ các chất cản quang được tiêm vào để giúp “vẽ” lại các đường đi của ống dẫn mật, phát hiện hẹp hoặc tắc nghẽn ống mật nếu có. Nội soi còn giúp lấy được mẫu tế bào hoặc dịch trong người bệnh nhân không cần qua phẫu thuật.
Trong trường hợp các xét nghiệm trên không thể giúp khẳng định ung thư túi mật, người bệnh sẽ được chỉ định làm sinh thiết.
Phương pháp điều trị ung thư túi mật hiệu quả
Phẫu thuật ung thư túi mật là phương án khả thi nếu bạn chỉ mới mắc phải bệnh ung thư túi mật giai đoạn đầu, bao gồm:
- Phẫu thuật cắt bỏ túi mật. Phương pháp này áp dụng cho ung thư túi mật giai đoạn đầu, lúc này ung thư túi mật còn giới hạn trong túi mật.
- Phẫu thuật cắt bỏ túi mật và một phần của gan. Phương pháp này áp dụng cho giai đoạn ung thư túi mật đã mở rộng vượt ra ngoài túi mật và vào gan. Bệnh nhân sẽ được cắt bỏ túi mật, các phần của ống gan và đường mật bao quanh túi mật.
Đối với điều trị ung thư túi mật giai đoạn cuối, cần căn cứ vào tình trạng cụ thể để phân tích và đưa ra liệu trình chính xác.
- Hóa trị đối với ung thư túi mật: Đây không phải là liệu pháp hiệu quả cao trong điều trị ung thư túi mật. Bác sĩ sẽ sử dụng hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư.
- Xạ trị đối với ung thư túi mật: Có thể khống chế sự phát triển nhanh chóng của các tế bào tái phát hoặc còn sót lại tại chỗ tổ chức ung thư, kéo dài tương đối thời gian sống thêm của bệnh nhân.
- Điều trị gen đích đối với ung thư túi mật: Nhằm vào vị trí có biến chứng của ung thư túi mật, sử dụng các loại thuốc điều trị phù hợp tương ứng, thuốc được dẫn vào cơ thể sẽ tiêu diệt có tính chọn lọc đối với các tế bào ung thư.
Tùy vào thể trạng và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư túi mật
Chế độ sinh hoạt:
- Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Tham gia các hoạt động rèn luyện thể dục phù hợp và làm các việc nhẹ, không được nằm hoặc ngồi trong thời gian dài.
- Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh có dấu hiệu tái phát.
- Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
- Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.
Chế độ dinh dưỡng:
- Những ngày sau khi mới phẫu thuật, cần cố gắng chọn các thực phẩm ít hàm lượng chất béo và cholesterol, ăn ít thức ăn chiên xào,…
- Nên giảm bớt lượng thức ăn và chia thành nhiều bữa.
- Ăn nhiều thức ăn tốt cho bệnh như thực phẩm có tác dụng chống nang mật, ống dẫn mật: lúa mạch. Các loại thức ăn có tác dụng chống nhiễm trùng, chống ung thư hiệu quả: đậu xanh, diếp cá, mướp đắng, cá chép, tôm, sứa… Cùng các thực phẩm có tác dụng nhuận tràng: quả sung, quả óc chó, hạt vừng…
- Bệnh nhân tránh ăn quá nhiều, không ăn thức ăn có nhiều dầu mỡ, hay quá cứng không tốt cho tiêu hóa. Thức ăn cay, thuốc lá và rượu không được phép ăn.
Những phương pháp phòng bệnh hiệu quả
Chế độ sinh hoạt lành mạnh sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc phải ung thư túi mật.
- Nên ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ và chất béo lành mạnh để giúp ngăn ngừa bệnh.
- Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn đầu và có liệu pháp điều trị sớm.
- Thực hiện đúng các biện pháp an toàn lao động khi phải tiếp xúc với hóa chất độc hại trong môi trường làm việc.
- Thường xuyên luyện tập thể dục để tăng cường sức khỏe và hệ miễn dịch cho cơ thể.
Ung thư là căn bệnh nguy hiểm nhưng không có nghĩa là bệnh không thể điều trị được. Điều quan trọng nhất trong việc chống lại ung thư chính là người bệnh cần có thái độ lạc quan và kiên trì điều trị bệnh. Thực tế cho thấy, những người có thái độ sống tích cực kết hợp với phương pháp điều trị hợp lý đã kéo dài được tuổi thọ và chống lại được căn bệnh ung thư.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.