Bệnh do vi-rút Zika
Mục lục
Bệnh do vi-rút Zika là gì?
Tìm hiểu chung
Bệnh do vi-rút Zika là gì?
Vi-rút Zika (viết tắt là ZIKV) là một virus thuộc họ Flaviviridae được phân lập lần đầu tiên từ một con khỉ Rhesus trong rừng Zika của Uganda vào năm 1947. Sau đó, vi-rút Zika được phát hiện ở người, nó giống như những vi-rút khác, được lan truyền bởi muỗi như sốt xuất huyết, sốt vàng da, sốt Tây sông Nile, và viêm não Nhật Bản do vi-rút.
Bệnh do vi-rút Zika gây ra cho người thường là sốt Zika. Vi-rút này hiện diện khắp nơi trên thế giới, chu trình truyền bệnh liên quan đến muỗi, và có thể lây lan qua đường tình dục. Do đó Zika trở thành một tác nhân gây bệnh mới nổi quan trọng tác động trên phạm vi toàn cầu chưa lường trước được.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh do vi-rút Zika
Thời gian ủ bệnh sau khi bị muỗi đốt là từ 2 -12 ngày. Tuy nhiên, đến khoảng 80% số trường hợp bị nhiễm vi-rút Zika không có triệu chứng nên rất khó nhận biết. Một trong những căn cứ quan trọng để có thể nghi ngờ bị nhiễm vi-rút Zika là có đi vào vùng dịch Zika, cộng thêm một số dấu hiệu sau:
- Sốt nhẹ 37 – 38 độ C, mệt mỏi, nhức đầu, suy nhược;
- Mọc ban rát sẩn trên da;
- Đau các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân;
- Viêm xung huyết kết mạc, đau cơ, đau hố mắt;
- Một số có thể đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét niêm mạc hoặc ngứa.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Những dấu hiệu kể trên gần giống với sốt nên khiến nhiều người chủ quan. Tuy nhiên, bị nhiễm vi-rút Zika cực kỳ nguy hiểm, nếu các triệu chứng trên kéo dài cộng với việc bạn vừa đi du lịch hoặc công tác tại vùng thường có dịch Zika, bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn.
Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến bệnh do vi-rút Zika
Bệnh do vi-rút Zika bao gồm các triệu chứng sau khi bị nhiễm vi-rút. Loại vi-rút này xâm nhập vào người thông qua các vết cắn của muỗi bị nhiễm bệnh, chủ yếu là muỗi Aedes aegypti ở các vùng nhiệt đới. Đây cũng là loài muỗi gây nên các bệnh sốt xuất huyết, sốt chikungunya hay sốt vàng da.
Ngoài ra, bệnh phát triển và lây lan bởi:
- Người bệnh có sức đề kháng yếu, dễ nhiễm bệnh.
- Tiếp xúc với mầm bệnh.
- Quan hệ tình dục với người mắc bệnh.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc bệnh do vi-rút Zika?
Bệnh do vi-rút Zika gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cũng như tốc độ lây lan khá nhanh nên mọi đối tượng đều có nguy cơ mắc phải.
Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ là những đối tượng đáng lưu ý nhất bởi sức đề kháng yếu, dễ mắc bệnh và nguy cơ gặp biến chứng như: teo não và hội chứng Guillain-Barre (chứng rối loạn do hệ miễn dịch tấn công vào một phần hệ thần kinh ngoại biên gây liệt và yếu cơ).
Phụ nữ mang thai là đối tượng cần cẩn trọng với vi-rút Zika. Nên theo dõi, siêu âm mỗi 3 – 4 tuần một lần để phát hiện sớm tình trạng đầu nhỏ hoặc vôi hóa não ở thai nhi.
Yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh do vi-rút Zika, bao gồm:
- Tiếp xúc với người mắc bệnh.
- Di chuyển đến vùng có dịch bệnh.
- Muỗi đốt.
- Quan hệ không an toàn với người nguy nhiễm vi-rút Zika.
- Môi trường sống ẩm ướt, kém vệ sinh, muỗi phát sinh.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh do vi-rút Zika
Việc xét nghiệm và chẩn đoán bệnh do vi-rút Zika rất quan trọng nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời tránh những biến chứng nguy hiểm. Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng của người bệnh, hỏi về tiền sử tiếp xúc, những khu vực mà người bệnh đã lui tới trong khoảng 2 – 3 tuần trước khi các triệu chứng bộc phát; đồng thời tiến hành các xét nghiệm kiểm tra nhiễm ZIKV, bao gồm:
- Xét nghiệm PCR để phát hiện vật liệu di truyền của vi-rút cũng như các xét nghiệm bổ sung để phát hiện kháng thể chống lại ZIKV (IgM) trong huyết thanh. IgM chống lại ZIKV thường phát hiện được khoảng 3 – 5 ngày sau khi nhiễm bệnh, nhưng phản ứng chéo thường xảy ra với sốt xuất huyết, sốt vàng da, viêm não Nhật Bản, và vi-rút Tây Sông Nile. Nhiễm chéo thường phổ biến ở những bệnh nhân đã từng bị nhiễm các vi-rút thuộc họ Flaviviridae trước khi nhiễm ZIKV. Xét nghiệm PCR nên được tiến hành trong vòng 10 ngày kể từ ngày khởi phát bệnh.
- Để tiến hành chẩn đoán tốt nhất, mẫu huyết thanh nên được xét nghiệm phân tích càng sớm càng tốt, rồi xét nghiệm lần thứ hai trong vòng 2 – 3 tuần sau đó.
Phương pháp điều trị bệnh do vi-rút Zika hiệu quả
Bệnh do vi-rút Zika hiện không có điều trị đặc hiệu. Bệnh nhân cần tuân thủ các chỉ định điều trị của bác sĩ như: nghỉ ngơi, bổ sung nước, điện giải, hạ sốt nếu có sốt cao.
Ở trẻ em bị biến chứng đầu nhỏ hoặc có tiền sử mẹ nhiễm vi-rút Zika trong quá trình mang thai nên được theo dõi liên tục để để đánh giá khả năng phát triển thể chất và tinh thần, thị lực, điều trị các bệnh động kinh co giật.
Một số trường hợp như trẻ em, phụ nữ mang thai nên tiến hành nhập viện để được theo dõi.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh do vi-rút Zika
- Bệnh do nhiễm vi-rút Zika hiện vẫn chưa có thuốc trị đặc hiệu nên việc quan trọng là theo dõi thường xuyên và điều trị các biến chứng mà bệnh gây ra.
- Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
Hiện nay, vi-rút Zika vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh cũng như thuốc đặc trị, vậy nên để phòng ngừa bệnh chúng ta cần phải:
- Hạn chế di chuyển vào vùng có dịch.
- Sử dụng các biện pháp chống muỗi đốt như: mặc quần áo kín, sáng màu, dùng các thuốc xua đuổi côn trùng, nằm màn.
- Giữ gìn vệ sinh khu vực sống, không cho muỗi sinh sôi phát triển bằng cách: loại bỏ các vật dụng đọng nước như các mảnh vỡ, lốp xe, vỏ lon, vũng nước đọng, đậy kín các chum, bể hoặc thả cá diệt loăng quăng, diệt muỗi bằng bẫy, vợt,…
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục với người bị nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm vi-rút Zika.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.