Bệnh nướu và nha chu
Mục lục
Bệnh nướu và nha chu là gì?
Tìm hiểu chung
Bệnh nướu và nha chu là gì?
Tình trạng viêm của nướu, có thể tiến triển ảnh hưởng đến phần xương bao quanh và phần nâng đỡ răng được gọi là bệnh nướu. Bệnh nướu có thể dẫn đến hậu quả làm răng lung lay, có thể tự rụng hoặc phải nhổ bỏ.
Nha chu là một tổ chức xung quanh răng, có chức năng nâng đỡ, giữ răng trong xương hàm được vững vàng. Nướu ôm sát chân răng để bảo vệ các mô tế bào nhạy cảm ở bên trong ngăn không cho vi khuẩn xâm nhập vào. Có thể nói nướu tốt là nền tảng của một hàm răng khỏe mạnh.
Tình trạng viêm nhiễm mô nướu và mô nâng đỡ của răng được gọi là bệnh nha chu. Phần lớn những trường hợp mất răng ở người lớn đều do bệnh nha chu gây ra.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nướu và nha chu
Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của bệnh nướu và nha chu đó là nướu viêm đỏ, dễ chảy máu, có mủ, răng lung lay, có thể răng tự rụng. Bên cạnh đó, nướu răng khá đau và nhạy cảm, hơi thở có mùi hôi, miệng đau.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi nhận thấy nướu và răng có những thay đổi khác thường, hoặc xuất hiện các mảng bám, răng đổi màu thì hãy đến ngay các phòng khám nha khoa để thăm khám và chữa trị kịp thời. Việc thờ ơ các bất thường của nướu, răng sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng: nhổ bỏ răng, nhiễm trùng xương ổ răng, xương hàm, gây ảnh hưởng đến những chiếc răng hai bên.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến bệnh nướu và nha chu
Nguyên nhân chính của bệnh về nướu và nha chu là do vệ sinh răng miệng kém, lâu dần tích tụ thành các mảng bám dính chặt trên răng hoặc cổ răng, những mảng bám này không dễ dàng loại bỏ ngay cả khi chải răng và chăm sóc răng miệng kỹ càng.
Thành phần chính của mảng bám là vi khuẩn. Mảng bám trên răng lâu ngày sẽ khoáng hóa thành cao răng. Cao răng có bề mặt nhám, thô lại càng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển khiến nguy cơ mắc bệnh nha chu càng cao.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc bệnh nướu và nha chu?
Những người vệ sinh răng miệng càng kém thì nguy cơ mắc bệnh nha chu càng cao. Những người thường uống các thức uống chứa nhiều đường, hóa chất, caffeine hoặc hút thuốc lá thì khả năng mắc bệnh răng miệng càng lớn.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh nướu và nha chu
Bệnh nhân sẽ được điều tra bệnh sử, thói quen ăn uống và vệ sinh răng miệng đồng thời khám thực thể răng, nướu để bác sĩ có chẩn đoán chính xác.
Phương pháp điều trị bệnh nướu và nha chu hiệu quả
Có hai bước điều trị cho bệnh nướu và nha chu được các nha sĩ áp dụng, nếu bệnh nhân nghe theo những chỉ định của nha sĩ một cách nghiêm túc thì tỉ lệ điều trị thành công khá cao.
Bước 1: Điều trị sơ khởi
Các nha sĩ sẽ tìm ra các yếu tố thuận lợi của sự phát triển các mảng bám trên răng. Các nha sĩ sẽ loại bỏ các yếu tố trên bằng nhiều cách: cố định răng nếu răng đó lung lay, loại bỏ các mảng bám trên răng, điều chỉnh phục hình cho răng, chỉ định nhổ bỏ răng nếu chiếc răng đó không thể giữ được.
Bước 2: Xử lý mặt gốc răng
Cạo cao răng để làm sạch vôi răng có thể được thực hiện bằng dụng cụ cầm tay hoặc máy siêu âm, tạo điều kiện tốt nhất để mô nướu được lành các thương tổn, nướu trở lại trạng thái bình thường. Khi sử dụng dụng cụ cầm tay thì sẽ không ảnh hưởng gì đến tủy răng.
Máy siêu âm cạo vôi răng đôi khi làm bệnh nhân có cảm giác ê buốt, nhưng sẽ nhanh chóng phục hồi lại bình thường. Phương pháp này cũng không ảnh hưởng đến tủy răng.
Các nha sĩ sẽ tiến hành xử lý mặt gốc răng để đảm bảo không còn mảng bám trên răng, tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ mà bệnh nhân sẽ được điều trị có phẫu thuật hay không.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
- Bỏ hút thuốc lá.
- Chải răng đúng cách, vệ sinh răng miệng sạch sẽ mỗi ngày.
- Sử dụng bàn chải mềm, sợi nhỏ để có thể lấy các mẫu thức ăn vướng lại ở kẽ răng.
- Sử dụng chỉ nha khoa, tuyệt đối không dùng tăm vì không lấy sạch được thức ăn mà còn làm tổn thương nướu răng.
- Khám răng định kỳ để được theo dõi sức khỏe răng miệng.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.