Bệnh Tk ngoại biên
Mục lục
Bệnh TK ngoại biên là gì?
Tìm hiểu chung
Bệnh thần kinh ngoại biên là gì?
Hệ thần kinh ngoại biên bao gồm tất cả các dây thần kinh trong cơ thể ngoại trừ ở não và tuỷ sống. Bệnh thần kinh ngoại biên do tổn thương thần kinh có thể là: chấn thương, nhiễm trùng, trao đổi chất hay phơi nhiễm chất độc, đặc biệt bệnh tiểu đường là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên. Bệnh khiến cho rối loạn quá trình trao đổi thông tin giữa não và cơ, da, nội tạng và mạch máu, gây ra các triệu chứng như đau hoặc tê bì ở bệnh nhân. Điều trị bệnh phải phụ thuộc vào nguyên nhân tiềm ẩn và loại bệnh, với mục đích chung là xử lý căn nguyên bệnh và giảm nhẹ triệu chứng, chữa thương tổn thần kinh.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại biên
Bệnh nhân có những triệu chứng tổn thương dây thần kinh cảm giác như: đau, tê bì chân tay, cảm giác kiến bò, yếu cơ, bỏng rát hoặc mất cảm giác. Các triệu chứng thường bắt đầu từ từ, hoặc có thể rất nhẹ và không thể nhận thấy. Với một số người, triệu chứng có khi dai dẳng và gần như không thể chịu đựng nổi, nhất là về đêm.
- Tổn thương dây thần kinh cảm giác: Cảm giác đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tổn thương. Ví dụ như bắt đầu tê và ngứa ran ở bàn chân hoặc bàn tay, có thể lan truyền vào chân và cánh tay;
- Tổn thương dây thần kinh vận động: Yếu cơ hoặc liệt vận động;
- Tổn thương dây thần kinh tự động: Rối loạn bàng quang, đường ruột, rối loạn sinh dục, tụt huyết áp tư thế.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi có các dấu hiệu bệnh lý trên âm ỉ và không dứt, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn cũng như khám lâm sàng. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến bệnh thần kinh ngoại biên
- Do chấn thương làm tổn thương đến dây thần kinh.
- Dây thần kinh bị chèn ép: thoái hóa khớp, cột sống, làm việc lâu ngày trong một tư thế như đánh máy,…
- Nguyên nhân thường gặp là do bệnh tiểu đường.
- Nghiện rượu.
- Mắc bệnh HIV/AIDS, nhiễm khuẩn.
- Các bệnh di truyền.
- Thiếu vitamin, nhất là các loại vitamin B, E…
- Các bệnh tự miễn như bệnh gan, thận, nhược giáp…
- Tiếp xúc với một số chất độc và thuốc, nhất là thuốc trị ung thư, vi khuẩn hoặc virus.
Ngoài ra có nhiều trường hợp bệnh nhân không xác định được nguyên nhân hoặc nguyên nhân không rõ ràng.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc bệnh thần kinh ngoại biên?
Dưới 10% dân số từng gặp phải cái triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại biên. Các bệnh nhân tiểu đường thường có nguy cơ mắc bệnh rất cao.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thần kinh ngoại biên, bao gồm:
- Tiểu đường, đặc biệt nếu khó kiểm soát nồng độ đường.
- Lạm dụng rượu.
- Thiếu vitamin, đặc biệt là vitamin B.
- Rối loạn chức năng thận, gan hoặc tuyến giáp.
- Sinh hoạt trong môi trường tiếp xúc với chất độc.
- Lặp đi lặp lại các căng thẳng về thể chất, như hoạt động nghề nghiệp.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh thần kinh ngoại biên
Các bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh thần kinh ngoại biên bằng cách:
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra lượng đường trong máu, vitamin cấp, chức năng tuyến giáp, gan, thận.
- Điện cơ: Đo tín hiệu trong dây thần kinh ngoại biên, đánh giá dẫn truyền xung thần kinh.
- Chuẩn đoán hình ảnh: X-quang, chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ để tìm khối u, thoát vị đĩa đệm.
- Sinh thiết dây thần kinh để kiểm tra bất thường.
Phương pháp điều trị bệnh thần kinh ngoại biên hiệu quả
Phụ thuộc vào nguyên nhân tiềm ẩn và loại bệnh, với mục đích chung là xử lý căn nguyên bệnh và giảm nhẹ triệu chứng, chữa thương tổn thần kinh. Điều trị bao gồm:
- Điều trị căn nguyên: trị tiểu đường, bổ sung vitamin, trị các rối loạn tự miễn, giảm chèn ép dây thần kinh, không tiếp xúc với các chất hoặc thuốc gây độc.
- Thuốc: Nhằm giảm triệu chứng của bệnh; gồm thuốc giảm đau như amitriptylin và gabapentin, thuốc ngăn chặn phản ứng miễn dịch bất thường như steroid.
- Liệu pháp:
- Kích thích điện dây thần kinh qua da.
- Phản hồi sinh học.
- Châm cứu.
- Thôi miên.
- Các kỹ thuật thư giãn.
Phẫu thuật là phương pháp cuối cùng có thể được tiến hành nếu những cách điều trị trước đó không mang lại hiệu quả.
Tùy vào thể trạng và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
Chế độ sinh hoạt:
- Tăng cường hoạt động thể chất, thường xuyên tập thể dục 1 tiếng mỗi ngày và ít nhất 5 ngày trong tuần.
- Hạn chế ngồi hay đứng lâu, bê vác nặng.
- Ăn uống đầy đủ vitamin và khoáng chất.
- Nên uống tăng cường vitamin B, đặc biệt là B1.
- Tránh hút thuốc, rượu bia, hóa chất độc hại,…
- Tránh các hoạt động giữ tư thế quá lâu.
- Khám sức khỏe định kỳ để nhận biết sớm các bệnh mạn tính: tiểu đường, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa khớp,…
- Kiểm soát nồng độ đường huyết và lưu ý chăm sóc bàn chân (massage) nếu bị tiểu đường.
- Tránh áp lực kéo dài gây tổn thương thần kinh.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.