Chắp và lẹo
Mục lục
Chắp và lẹo là gì?
Tìm hiểu chung
Chắp và lẹo là gì?
Chắp và lẹo là hai bệnh lý thường gặp ở mi mắt. Đây là hai bệnh hoàn toàn khác nhau nhưng thường bị nhầm lẫn do có nhiều biểu hiện khá giống. Bệnh chắp, lẹo mắt có thể khiến bạn khó chịu khi cử động mắt hoặc ảnh hưởng đến tầm nhìn của bạn, nhưng chúng là căn bệnh lành tính và hoàn toàn có thể được chữa trị với các kỹ thuật y tế hiện đại.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của chắp và lẹo
Bệnh chắp và lẹo có nhiều biểu hiện gần giống nhau nên rất dễ gây nhầm lẫn. Để xác định bệnh và điều trị, đầu tiên bạn cần phân biệt được hai loại bệnh này.
Chắp mắt:
Chắp có thể tồn tại bên trong hoặc bên ngoài mí mắt. Nếu ở mặt trong, chắp chỉ nổi cộm lên. Nếu ở bên ngoài, chắp mắt có hình dạng như hạt đậu, nổi u lên mí mắt. Ngoài ra, chắp mắt còn biểu hiện một số triệu chứng như:
- Xuất hiện cục u (sờ vào rắn) ở kết mạc của mi mắt;
- Cục u không có mủ (trừ trường hợp bội nhiễm);
- Chảy nước mắt;
- Thị lực bị giảm sứt nghiêm trọng và có thể mất hẳn thị lực;
- Không làm sưng, đỏ vùng mí và không di chuyển;
- Mắt khó chịu và rất nhạy cảm với ánh sáng, nhất là ánh sáng mạnh;
- Có thể lúc đầu gây đau nhưng về sau bệnh giảm dần sẽ không gây đau nữa.
Lẹo mắt:
Lẹo là một áp xe do tụ cầu, gồm một số biểu hiện đặc trưng sau đây:
- Sưng, đỏ cả vùng mí mắt;
- Hạt lẹo có chứa mủ;
- Lúc chớp mắt hoặc ấn vào thấy đau, nhức;
- Chảy nước mắt;
- Mắt nhạy cảm với ánh sáng;
- Lẹo gây đau cho đến khi áp xe vỡ ra, chảy mủ thì mới hết.
Chắp và lẹo có những biểu hiện rất giống nhau, chỉ khác ở chỗ chắp mắt phần nhiều không gây đau, nhưng lẹo thì nặng hơn; gây đau, sưng và thường nằm cạnh mí mắt.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu so sánh hai bệnh này thì rõ ràng lẹo mắt là bệnh nghiêm trọng hơn. Lẹo trong diễn tiến nặng có khả năng tạo ra ổ áp xe và gây nên viêm tổ chức hốc mắt. Tuy nhiên, nếu chắp mắt quá lớn cũng gây ảnh hưởng đến thị lực nghiêm trọng.
Vì vậy, khi có các dấu hiệu phía trên, bạn nên đến các cơ sở y tế để được xem xét bệnh trạng và nhận được sự tư vấn chính xác từ bác sĩ chuyên khoa.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến chắp và lẹo mắt
Chắp:
Tuyến dầu ở mí mắt (tuyến Meibomian) có nhiệm vụ cân bằng ẩm bên trong phần mí. Do bụi bẩn và không thường xuyên rửa mắt, vệ sinh mắt nên rất dễ bị tắc nghẽn và tạo thanh cục u nổi cộm ở mí mắt; thường gọi là chắp mắt. Khi để tình trạng này lâu ngày có thể dẫn đến bội nhiễm, cục u hình thành mủ sau đó vỡ ra gây nhiễm khuẩn.
Lẹo:
Lẹo mắt là bệnh viêm cấp tính tuyến chân lông ở vùng da mi mắt gây nên. Nguyên nhân chủ yếu là do tụ cầu khuẩn gây ra ở các tuyến bã nhầy quanh vùng vùng lông mi.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ bị chắp và lẹo mắt?
Chắp hay lẹo mắt có thể xảy ra ở bất cứ ai, đặc biệt là ở trẻ em vì trẻ vẫn chưa có ý thức tự chăm sóc sức khỏe cá nhân và thường dùng tay để dụi mắt, tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn tấn công mí mắt và gây bệnh.
Yếu tố làm tăng nguy cơ chắp và lẹo:
Đa phần, các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh chắp và lẹo cũng rất giống nhau, vì cả hai bệnh đều có do vi khuẩn và bụi bẩn tấn công vào mí mắt. Một số yếu tố nguy cơ cần được hạn chế để giảm thiểu khả năng mắc bệnh là:
- Cơ thể không sạch sẽ, đặc biệt là bàn tay vì đây là bộ phận tiếp xúc với mắt nhiều hơn hẳn. Dùng tay dơ để chạm vào mắt khiến vi khuẩn từ tay lây sang mắt và gây viêm.
- Dùng kính áp tròng thường xuyên, quá thời gian quy định hoặc không vệ sinh sạch sẽ kính áp tròng trước khi sử dụng.
- Ngoài kính áp tròng, kính điều chỉnh thị lực thông thường hoặc kính mát cũng có thể là yếu tố thúc đẩy chắp và lẹo mắt nếu không được lau chùi và khử trùng thường xuyên.
- Sống trong môi trường bụi bẩn.
- Sử dụng phấn trang điểm, phấn mắt quá hạn sử dụng hoặc không tẩy trang trước khi ngủ.
- Người đã từng bị chắp, lẹo mắt hoặc bị viêm mí mắt mãn tính.
Nếu bạn không nằm trong các trường hợp trên thì vẫn chưa hẳn là bạn không thể mắc bệnh. Bạn luôn cần phải bảo vệ đôi mắt một cách tốt nhất để phòng bệnh xảy ra đột ngột.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán chắp và lẹo mắt
Chắp và lẹo mắt có những đặc điểm khá giống nhau nên việc chẩn đoán phải dựa trên việc chẩn đoán phân biệt hai loại bệnh này.
Trong chẩn đoán phân biệt, bác sĩ có thể hỏi về cảm giác của mí mắt bạn có bị đau nhức hay không. Ngoài ra, bác sĩ có thể dùng kính lúp để kiểm tra sơ bộ bên ngoài và bên trong mí mắt để xác định bệnh.
Những phương pháp xét nghiệm ít khi được sử dụng ngoại trừ trường hợp việc khám lâm sàng không đưa ra được kết quả cụ thể.
Phương pháp điều trị chắp và lẹo hiệu quả
Chắp hoặc lẹo có thể tự khỏi sau khoảng một tháng. Nhưng với những trường hợp chắp, lẹo lớn, có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh và gây biến chứng thì bác sĩ sẽ yêu cầu điều trị.
Chắp:
- Dùng túi chườm nóng để làm nở lỗ chân lông vùng da mí mắt cho tuyến dầu có thể lưu thông trở lại và không còn bị tắc nghẽn. Thông thường, túi chườm nóng sẽ được giữ ở mí mắt trong khoảng 10 phút/lần và thực hiện 4 lần mỗi ngày.
- Đối với chắp mắt loại to và kéo dài không khỏi, bác sĩ có thể dùng cortioid kết hợp với chích chắp mắt để loại bỏ chúng.
- Trong trường hợp chắp mắt tái đi tái lại, sau khi đã chích chắp mắt, bác sĩ sẽ lấy khối chắp ra và tiến hành giải phẫu bệnh lý.
Lẹo:
- Dùng túi chườm nóng đặt lên vùng da bị lẹo để làm mở các tuyến dầu. Phương pháp này thực hiện tương tự với chắp.
- Dùng kháng sinh để tiêu giảm mủ, tránh tình trạng nhiễm trùng và hết sưng. Thuốc có thể ở dạng kem mỡ bôi ngoài da hoặc thuốc nhỏ mắt.
- Nếu lẹo mắt nghiêm trọng, bác sĩ có thể tiến hành tiểu phẫu để rạch vùng da bị lẹo mắt và lấy mủ ra ngoài.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của chắp và lẹo mắt
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Lau vùng bị chắp, lẹo bằng khăn sạch, mềm hoặc bằng gạc bông y tế.
- Giữ cho tay, tóc, da mặt lông mày, và các bộ phận thường tiếp xúc với mắt luôn sạch sẽ.
- Không dùng mỹ phẩm trang điểm khi không thật sự cần thiết.
- Không dùng kính áp tròng trong quá trình điều trị.
- Không tự ý can thiệp đến vùng bị chắp lẹo như nặn, rạch mủ hay điều trị bằng các bài thuốc dân gian chưa được kiểm chứng khoa học.
- Báo ngay với bác sĩ khi mắt có vấn đề bất thường trong quá trình điều trị.
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
Để phòng ngừa chắp và lẹo mắt, bạn có thể áp dụng các cách sau:
- Không dùng tay dụi mắt, hoặc dùng bất cứ vật dụng nào chà vào mắt vì rất dễ làm vi khuẩn tấn công mí mắt.
- Đeo kính thường xuyên khi đi ra ngoài, đặc biệt là những người sống và lao động ở nơi nhiều khói bụi.
- Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ kính/kính áp tròng.
- Tẩy trang sau khi dùng mỹ phẩm, không nên để lớp trang điểm trên mặt qua đêm.
- Không dùng mỹ phẩm quá hạng sử dụng; với mascara và phấn mắt thì nên thay ít nhất 6 tháng/1lần.
- Kịp thời xử lý các tình trạng viêm nhiễm liên quan đến mắt.
- Không dùng chung khăn mặt, đồ trang điểm với người khác.
- Rửa tay bằng xà phòng.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.