Chốc lở
Mục lục
Chốc lở là gì?
Chốc lở là hiện tượng da bị nhiễm trùng và xuất hiện những vết loét gây đau, rất dễ lây lan. Bệnh có khả năng xuất hiện ở bất kì vị trí nào trên cơ thể nhưng đặc biệt ở những vùng quanh mũi, miệng, bàn tay, bàn chân là có thể xảy ra nhiều nhất.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của chốc lở
Những biểu hiện thông thường của bệnh chốc lở:
- Ngứa và đau ở những vùng da bị nhiễm trùng;
- Có xuất hiện mụn nước. Khi vỡ chúng tạo thành những vết loét đỏ, về sau đóng thành lớp mài màu vàng nâu trên da.
- Đặc biệt thường xuất hiện khu vực quanh mũi, miệng, bàn tay và chân;
- Trường hợp nặng, các vùng da nhiễm trùng có thể tạo những vết loét sâu;
- Sưng hạch bạch huyết gần những vùng bị nhiễm trùng.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu cơ thể bạn hoặc con bạn có những dấu hiệu hoặc triệu chứng trên, hãy đến gặp bác sĩ khám và được tư vấn trực tiếp. Đây là một bệnh về da liễu có khả năng lây nhiễm nên chúng ta cần phải rất thận trọng trong việc điều trị. Cơ thể mỗi người có cơ địa khác nhau, vì vậy không nên tự ý dùng thuốc hoặc điều trị tại nhà mà không có sự hướng dẫn của chuyên gia y tế.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến chốc lở
Các nhà khoa học đã tìm ra liên cầu khuẩn Streptococcus và tụ cầu khuẩn Staphylococcus là hai loại vi khuẩn chính gây nên bệnh này. Vi khuẩn tạo ổ nhiễm trùng gây chốc lở bằng cách xâm nhập vào cơ thể thông qua những vết rách hoặc thậm chí là những tổn thương rất nhỏ trên da, vì thế khi nhìn bằng mắt thường hầu như không thể phát hiện được.
Tuy nhiên, vi khuẩn gây chốc lở vẫn có thể tấn công vào cơ thể người có làn da khỏe mạnh, nhưng trường hợp này rất hiếm.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc phải chốc lở?
Trẻ em là đối tượng có nguy cơ bị mắc bệnh chốc lở nhiều nhất, đặc biệt là trẻ ở độ tuổi từ 2 – 5 tuổi.
Bệnh ít gặp ở người trưởng thành, và chỉ thường xuất hiện sau khi da đã gặp những tổn thương nhất định.
Bệnh phổ biến ở nam giới hơn ở nữ giới.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc chốc lở, bao gồm:
- Tuổi tác: Trẻ em trong độ tuổi từ 2 – 5 tuổi mắc bệnh chốc lở cao nhất.
- Thời tiết: Thời tiết ẩm thấp, hoặc trong điều kiện không khí ấm tạo môi trường tốt cho vi khuẩn sinh sôi và lây lan.
- Môi trường sống: Người sống trong vùng có dân cư đông đúc khiến vi khuẩn dễ lây truyền từ người nay sang người khác.
- Da bị tổn thương: Vi khuẩn gây chốc lở thường xâm nhập vào các thương tổn dù là rất nhỏ trên da.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán chốc lở
Bệnh chốc lở dễ dàng được chẩn đoán thông qua những biểu hiện lâm sàng trên da. Tuy nhiên, để biết do loại vi khuẩn nào tấn công da hoặc là sau quá trình điều trị bằng thuốc, tình trạng da vẫn không thuyên giảm, bác sĩ có thể tiến hành chiết dịch từ vết loét trên da làm xét nghiệm để biết loại thuốc nào có khả năng ức chế vi khuẩn.
Ngoài ra, nếu bạn hoặc con bạn có những biểu hiện khác thường của bệnh, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu hoặc nước tiểu.
Phương pháp điều trị chốc lở hiệu quả
Bệnh chốc lở có thể điều trị bằng một số phương pháp sau:
- Dùng thuốc mỡ hoặc kem có chứa kháng sinh để bôi trực tiếp lên vùng da bị nhiễm khuẩn.
- Uống thuốc kháng sinh trong tường hợp không thể bôi thuốc ngoài da.
- Loại bỏ phần mài trên da bằng việc ngâm da với nước ấm hoặc đắp gạc ướt để làm mềm. Việc loại bỏ phần mài cứng có thể giúp kháng sinh thẩm thấu vào da tốt hơn.
Điểm quan trọng nhất trong quá trình điều trị là bạn cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ, không nên tự ý chữa trị hoặc gây các tác động xấu lên da khiến vùng da bị tổn thương nghiêm trọng hơn. Trong trường hợp dùng thuốc có dấu hiệu thuyên giảm, bạn cũng cần hỏi ý kiến bác sĩ về quyết định ngưng sử dụng thuốc, vì chốc lở có khả năng tái phát rất cao và có thể gây tình trạng đề kháng sinh khi ngừng thuốc mà không có chỉ định từ bác sĩ.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của chốc lở
Một số giải pháp có thể giúp bạn ngăn ngừa bệnh chốc lở tiến triển nhanh hơn:
- Giữ vệ sinh: Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt là những vùng da đã mắc bệnh và cả những vùng có nguy cơ bị nhiễm khuẩn. Bạn có thể rửa sạch bằng nước hoặc sát khuẩn khi cơ thể có những vùng da bị trầy xước, vết thương hở.
- Vệ sinh đồ dùng cá nhân: Những đồ vật như quần áo, khăn mặt, vớ, chăn gối,… đều là những nơi thuận lợi để vi khuẩn ẩn nấp. Bạn cần thường xuyên làm sạch chúng và tuyệt đối không dùng chung với người khác khi đã mắc bệnh vì chúng có thể là vật trung gian truyền bệnh.
- Cắt móng tay, móng chân: Móng tay dài, bén có thể khiến da bị tổn thương khi bạn hoặc con bạn cào cấu. Bạn có thể cắt ngắn móng tay trẻ hoặc đeo găng tay cho chúng để hạn chế việc trẻ làm tổn thương da.
- Mặc quần áo với chất liệu cotton thoáng mát, không để vết thương bị hầm, bí.
- Sử dụng xà phòng diệt khuẩn để tắm và vệ sinh tay, chân.
- Sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ và hãy đến bệnh viện để khám khi bệnh có những biểu hiện khác thường trong quá trình điều trị.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.