Dậy thì
Mục lục
Dậy thì là gì?
Tìm hiểu chung
Dậy thì là gì?
Dậy thì là trạng thái thay đổi cơ thể từ một đứa trẻ thành người trưởng thành, bao gồm sự tăng trưởng của xương và cơ bắp, thay đổi hình dạng và kích thước cơ thể, đồng thời phát triển khả năng sinh sản của cơ thể.
Tuổi dậy thì của bé gái ở các nước phát triển là vào khoảng 9 tuổi và bé trai là 12 tuổi. Tuy nhiên ở nước ta, độ tuổi bắt đầu dậy thì trung bình của bé gái là 11 tuổi 10 tháng và bé trai là 13 tuổi 15 tháng.
Tùy theo các yếu tố ảnh hưởng mà trẻ dậy thì ở các độ tuổi khác nhau. Trong đó yếu tố di truyền và các yếu tố ngoại sinh như hoạt động thể lực, điều kiện dinh dưỡng, yếu tố xã hội đóng vai trò chủ yếu.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu cho thấy sự dậy thì
Trẻ phát triển về hình thể:
- Ở bé gái: Tuyến vú phát triển thay đổi sắc vú, quầng vú. Khoảng 6 tháng sau, trẻ bắt đầu xuất hiện lông mu. Môi lớn, môi bé âm đạo phát triển, niêm mạc âm đạo có màu hồng, tiết dịch. Lông mu có hình tam giác đỉnh quay xuống dưới, lông nách xuất hiện muộn hơn (1 – 1.5 năm sau).
- Ở bé trai: Tăng thể tích tinh hoàn >4 cm3, chiều dài tinh hoàn >2.5cm, da bìu thâm đen, xuất hiện lông mu. Phát triển kích thước dương vật, xuất hiện lông nách. Xuất hiện lông ngực, râu, bài tiết mồ hôi nách với mùi đặc trưng, giọng trầm. Dấu hiệu dậy thì hoàn toàn là xuất tinh.
Trẻ tăng trưởng về:
- Chiều cao: Tăng trưởng nhanh, bé gái có đỉnh tăng trưởng sớm nhưng cũng kết thúc sớm.
- Cân nặng: Đỉnh cân nặng ở bé trai là 4.9kg/năm từ 13 – 14 tuổi, bé gái là 2.34kg/năm từ 11 – 12 tuổi.
- Cơ xương: Phát triển mạnh xương chi, trẻ trai phát triển vai, trẻ gái phát triển mạnh khung chậu. Cơ trẻ trai phát triển mạnh hơn, còn trẻ gái phát triển khối mỡ.
Ngoài ra còn có biến đổi nội tiết trong giai đoạn dậy thì.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Dậy thì là biểu hiện hoàn toàn bình thường ở trẻ khi đến tuổi. Tuy nhiên nếu trẻ có dấu hiệu dậy thì sớm hay muộn thì phụ huynh nên chú ý dẫn con đến thăm khám và nhận tư vấn của bác sĩ để trẻ có thể phát triển bình thường và toàn diện, tránh các nguy cơ không đáng có về sau.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến dậy thì
Dậy thì là kết quả tiếp theo của những bước trưởng thành.
Hệ thống vùng dưới đồi – tuyến yên – tuyến sinh dục biệt hoá và hoạt động trong suốt quãng thời gian sống của thai và trẻ nhỏ. Sau đó nó bị kìm hãm, giảm thấp hoạt động trong suốt tuổi trẻ em do sự phối hợp của hai sự kiện: tăng nhạy của gonadostat đối với hồi tác âm estrogen và ức chế nội sinh hệ thống thần kinh trung ương. Tất cả những phần nằm dưới Gn-RH (dưới hệ thần kinh trung ương) đều có khả năng đáp ứng ở mọi lứa tuổi.
Sự chế tiết Gn-RH lại được xúc tiến trở lại khi đến tuổi dậy thì (hoạt động trở lại của trục vùng dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng) và dẫn hoạt động của tuyến sinh dục được bắt đầu.
Nếu sự chèn ép hoạt động nội sinh hệ thống thần kinh trung ương kéo dài hoặc có sự bất lực đáp ứng của bất cứ thành phần nào ở dưới thì sẽ dẫn đến điều trị muộn hay không dậy thì.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những phương pháp phòng ngừa dậy thì sớm, dậy thì muộn
Dậy thì sớm:
- Điều chỉnh chế độ ăn uống, tránh ăn nhiều đồ dầu mỡ, đồ ngọt… Nên ăn nhiều rau quả tươi.
- Không cho trẻ dùng các thực phẩm chức năng, sản phẩm dinh dưỡng và kem dưỡng da có chứa nội tiết tố.
- Tăng cường vận động.
- Ngủ đủ giấc.
- Không nên cho trẻ tiếp xúc với các kích thích thị giác không phù hợp lứa tuổi.
Dậy thì muộn:
- Cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý cho sự phát triển phù hợp của trẻ, không để trẻ thiếu chất.
- Không nên cho trẻ vận động quá mức.
- Nếu trẻ có các bệnh di truyền, mãn tính thì nên đến bác sĩ để được tư vấn về chế độ dinh dưỡng cho trẻ.
Chế độ dinh dưỡng khi ở lứa tuổi dậy thì
Vào giai đoạn dậy thì trẻ phát triển rất nhanh và vượt bậc, các bậc phụ huynh nên hỗ trợ để giúp đỡ cho trẻ được phát triển toàn diện cả về hình thể lẫn thể chất.
- Chất đạm: Rất cần cho quá trình phát triển vượt bậc của cơ thể trong giai đoạn dậy thì.
- Nên cung cấp khẩu phần protein cho trẻ dao động trong khoảng 15%-20% / tổng nhu cầu. Tương đương với 0.95g protein/kg/ngày ở trẻ 9 – 13 tuổi và khoảng 0.85g protein/kg/ngày cho trẻ 14-18 tuổi.
- Chất béo: Đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp năng lượng cho trẻ. Nên chọn những thực phẩm giàu axit béo chưa no (có trong dầu thực vật, cá…) cho trẻ.
- Chất bột đường: Là nguồn chính giúp cung cấp năng lượng, chiếm khoảng 50% -55% khẩu phần.
- Chất khoáng: Nhu cầu canxi, sắt, kẽm rất cao trong giai đoạn dậy thì. Một chế độ ăn đa dạng sẽ cung cấp đủ khoáng chất cho trẻ.
- Canxi: Ở giai đoạn này, trẻ cần đến 1200mg/ngày để giúp duy trì cấu trúc xương. Do đó, cần cung cấp cho trẻ một chế độ ăn giàu canxi. Nên duy trì chế độ sữa mỗi ngày (2-3 ly/ngày) và xen kẽ những sản phẩm từ sữa như yaourt, phomai.
- Sắt: Cần cho quá trình phát triển khối cơ, cấu trúc tế bào máu và chức năng hô hấp.
- Kẽm: Giúp phát triển thể chất, tăng cường hoạt động chức năng sinh dục…
- Vitamin: Cần cung cấp cho trẻ đủ khẩu phần rau củ và trái cây.
Cần cung cấp cho trẻ 1 khẩu phần ăn đủ chất, cân đối, có lợi cho sức khỏe, cũng như đảm bảo năng lượng đủ cho trẻ phát triển thể chất và hoạt động. Không để trẻ ăn quá thừa hoặc quá thiếu.
Để đề phòng nguy cơ béo phì trong giai đoạn này, phụ huynh cần lưu ý:
- Tránh ăn quá nhiều thực phẩm ngọt, giàu chất béo (đặc biệt là chất béo không tốt cho sức khỏe như mỡ, bơ, mayonnaise…).
- Hạn chế thức ăn nhanh.
- Không sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh.
- Khi trẻ vừa xem ti-vi, chơi game và vừa ăn có thể làm phân tán sự chú ý, dẫn đến trẻ nạp quá nhiều năng lượng và thừa cân, béo phì.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.