Gan nhiễm mỡ

Mục lục

Gan nhiễm mỡ là gì?

Gan nhiễm mỡ (gan thoái hoá mỡ) là tình trạng ứ đọng mỡ trong gan. Đánh giá mức độ gan nhiễm mỡ:

  • Mỡ trong gan bình thường chiếm khoảng 3 – 5% trọng lượng gan.
  • Mỡ trong gan ở mức nhẹ chiếm từ 5 – 10% trọng lượng gan.
  • Mỡ trong gan ở mức trung bình chiếm từ 10 – 25% trọng lượng gan.
  • Nếu vượt quá 30% thì gan đã nhiễm mỡ nặng.

Mức độ của bệnh còn phụ thuộc vào nguyên nhân chính gây ra và việc tuân thủ theo các chế độ giúp hỗ trợ điều trị bệnh.
Gan nhiễm nhiều mỡ không phải là một bệnh mà chỉ là biểu hiện lâm sàng của nhiều bệnh lý khác nhau. Do đó để cải thiện tình trạng,  bạn cần phải xử lý bệnh chính gây ra nhiễm mỡ cao trong gan.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của gan nhiễm mỡ

Thông thường thì gan nhiễm mỡ không gây ra bất cứ triệu chứng gì đáng kể khiến người bệnh không phát hiện kịp thời. Chỉ một số ít trường hợp như người hay khám sức khỏe định kỳ mới phát hiện sớm ra được bệnh. Những triệu chứng khi bệnh bắt đầu trở nặng:

  • Yếu ớt, khó chịu, mệt mỏi;
  • Buồn nôn và bụng cảm thấy nôn nao.
  • Lá gan có khả năng bị sưng to;
  • Một vài người có thể xuất hiện hiện tượng vàng da.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu như hệ thống miễn nhiễm phát hiện ra có sự bất thường và hoạt động loại bỏ các tế bào gan hư hỏng này, bạch huyết cầu sẽ xuất hiện ở khắp nơi gây ra viêm gan. Bị viêm lâu ngày sẽ đưa đến xơ gan.

Vì vậy, nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến gan nhiễm mỡ

  • Chế độ dinh dưỡng không hợp lí: Sử dụng nhiều thực phẩm chứa chất béo, hấp thu nhiều đường.
  • Sinh hoạt không điều độ: Ít vận động, ngồi nhiều, tinh thần bị suy nhược hay căng thẳng.
  • Tiếp xúc với hóa chất: Uống quá nhiều bia rượu, nhiễm độc chì, phospho.
  • Ảnh hưởng từ những nguồn bệnh khác nhau như tiểu đường, nội tiết.
  • Miễn dịch kém.
  • Do virus, vi khuẩn trong quá trình mắc bệnh viêm gan siêu vi B, C thường có những biến chứng gan bị nhiễm mỡ, đặc biệt là bệnh viêm gan siêu vi C (nhiều khi còn gọi chứng hậu viêm gan siêu vi là gan nhiễm mỡ).
  • Di truyền: Nếu như trong gia đình có nhiều người mắc bệnh béo phì thì nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn người khác.

 


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị gan nhiễm mỡ?

Bất cứ ai cũng có thể bị gan nhiễm mỡ. Trường hợp gan nhiễm mỡ không do rượu gây ra thường gặp ở trẻ vị thành niên. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến gặp ở người lớn bị gan nhiễm mỡ.

Yếu tố làm tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ, bao gồm:

  • Béo phì.
  • Bệnh đái tháo đường tuýp 2.
  • Suy giáp, suy tuyến yên.
  • Phẫu thuật dạ dày.
  • Mắc chứng thở khi ngủ.
  • Nồng độ cholesterol và lượng triglycerides trong máu cao.
  • Hội chứng buồng trứng đa nang, hội chứng chuyển hóa.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán gan nhiễm mỡ

Người bệnh chỉ thường phát hiện mình bị gan nhiễm mỡ khi đi khám sức khỏe hoặc khám các bệnh cần kiểm tra chức năng gan. Trong những trường hợp bị nghi ngờ gan nhiễm mỡ, bác sĩ sẽ tiến hành khám thực thể và xét nghiệm. Các xét nghiệm bao gồm:

  • Xét nghiệm máu.
  • Xét nghiệm chức năng gan.
  • Xét nghiệm men gan.
  • Sinh thiết gan.

Ngoài ra, bác sĩ có thể chẩn đoán hình ảnh thông qua chụp X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để đưa ra những chẩn đoán chính xác.

Phương pháp điều trị gan nhiễm mỡ hiệu quả

Căn bệnh này không phải là bệnh lý về gan mà chỉ là một triệu chứng do tích lũy quá nhiều mỡ trong gan, do đó để chữa gan nhiễm mỡ, chủ yếu là hỗ trợ điều trị những nguyên nhân cơ bản gây ra gan bị ứ đọng mỡ, cụ thể là:

  • Nếu bị thừa cân – béo phì: Cần áp dụng chế độ ăn hợp lý và những chế độ tập luyện thể dục thể thao, vận động để điều chỉnh cân nặng.
  • Đối với các bệnh lý về gan có liên quan tới rượu bia: Hạn chế tối đa việc uống bia rượu, tốt nhất thì nên ngưng hoàn toàn.
  • Không sử dụng những loại thuốc có khả năng gây độc cho gan và nên thay thế bằng những thuốc an toàn, những thực phẩm từ thiên nhiên theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Các chứng bệnh rối loạn chuyển hóa (tiểu đường,…): Khống chế đường trong máu, luôn giữ ở mức độ bình thường.
  • Khi mắc viêm gan siêu vi : Kiểm soát tốt tình trạng viêm và những diễn biến bất lợi dẫn đến xơ gan.

Ngoài việc cân bằng lại cuộc sống với chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học, để hạn chế sự tích tụ mỡ trong gan, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm viêm gan do mỡ và khuyên bạn tiêm ngừa vắc-xin phòng bệnh viên gan siêu vi A, B.

 


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của gan nhiễm mỡ

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Kiên trì luyện tập thể dục, giữ cân nặng ở mức hợp lý, không để tình trạng béo phì.
  • Kiểm soát bệnh tiểu đường (nếu có).
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của gan nhiễm mỡ và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Tuy không phải là một căn bệnh nguy hiểm, nhưng gan nhiễm mỡ là căn nguyên gây một số bệnh về gan nghiêm trọng. Vì thế, chúng ta cần phòng ngừa gan nhiễm mỡ ngay từ ban đầu. Một số cách có thể phòng gan nhiễm mỡ hiệu quả là:

  • Xây dựng lối sống lành mạnh.
  • Ăn ít chất béo bão hòa và tăng lượng chất xơ.
  • Thường xuyên tập thể dục.
  • Hạn chế tối đa sử dụng rượu bia.
  • Kiểm soát các căn bệnh có thể làm gan nhiễm mỡ.
  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan