Gan nhiễm mỡ không do rượu
Mục lục
Gan nhiễm mỡ không do rượu là gì?
Gan nhiễm mỡ không do rượu là một bệnh lý về gan thường gặp, có diễn tiến âm thầm nên rất khó nhận ra. Gan nhiễm mỡ không do rượu là tình trạng trong gan tích tụ một lượng mỡ khá lớn, xảy ra ở người uống ít hoặc không uống rượu. Khi bị gan nhiễm mỡ, khối lượng mỡ sẽ chiếm khoảng 5% – 10% tổng trọng lượng của gan.
Bệnh nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như xơ gan và ung thư gan. Nguyên nhân gây bệnh phổ biến nhất đó là do béo phì. Bệnh có khả năng xuất hiện ở mọi người, song người lớn tuổi có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn. Gan nhiễm mỡ thường được điều trị bằng cách dùng thuốc kết hợp với thay đổi thói quen sinh hoạt để làm giảm trọng lượng cơ thể, từ đó giảm lượng mỡ thừa.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của gan nhiễm mỡ không do rượu
Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu thường diễn tiến rất âm thầm, có rất ít hoặc hoàn toàn không có triệu chứng. Bệnh nhân thường không cảm thấy gì trong giai đoạn đầu và chỉ bắt đầu có các triệu chứng khi bệnh đã nặng hoặc đã xuất hiện biến chứng xơ gan.
Các triệu chứng có thể có bao gồm:
- Mệt mỏi;
- Đau tức hạ sườn phải;
- Gan to vừa phải, không đau, chỉ tức nhẹ khi ấn;
- Suy nhược cơ thể.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu
Biến chứng của viêm gan nhiễm mỡ không do rượu bao gồm:
- Xơ hóa: Viêm gây ra mô sẹo xung quanh gan và các mạch máu gần đó, nhưng gan vẫn có thể hoạt động bình thường.
- Xơ gan: Giai đoạn nghiêm trọng nhất, đây là tình trạng gan co lại và xuất hiện nhiều sẹo và sần trong gan; tổn thương này là vĩnh viễn, gây cản trở các chức năng gan.
- Ung thư gan nguyên phát (ung thư tế bào gan).
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Hãy đến gặp bác sĩ ngay khi xuất hiện các triệu chứng nêu trên. Tốt nhất là bạn nên đi khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện gan nhiễm mỡ. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến gan nhiễm mỡ không do rượu
Nguyên nhân của bệnh ngày nay vẫn chưa được xác định rõ. Một số nguyên nhân được cho là có thể dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, bao gồm:
- Viêm gan do virus: Nhiều nghiên cứu cho thấy quá nhiều virus hoặc vi khuẩn trong ruột non có thể dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
- Thuốc men và độc tố: Một số loại thuốc dùng để điều trị các bệnh khác có thể dẫn đến tình trạng gan nhiễm mỡ không do rượu.
- Giảm cân: Giảm cân sai phương pháp cũng có thể gây gan nhiễm mỡ.
- Chế độ ăn uống: Thói quen ăn uống không cân đối các chất dinh dưỡng, ăn nhiều dầu mỡ là tác nhân lớn nhất dẫn đến gan nhiễm mỡ không do rượu.
Gan nhiễm mỡ không do rượu có thể xảy ra cùng với các bệnh gan khác và làm cho các tổn thương gan nặng hơn. Những bệnh thường kết hợp với gan nhiễm mỡ không do rượu có thể kể đến là:
- Béo phì: Khoảng 70% những người bị gan nhiễm mỡ không do rượu bị béo phì.
- Bệnh tiểu đường: Lên đến 75% những người bị gan nhiễm mỡ không do rượu có bệnh tiểu đường tuýp 2.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu?
- Béo phì hoặc thừa cân, đặc biệt là nhiều mỡ quanh eo.
- Có bệnh tiểu đường tuýp 2.
- Cholesterol trong máu cao.
- Có triglycerides cao.
- Trên 50 tuổi.
- Hút thuốc lá.
Các bệnh và vấn đề có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, bao gồm:
- Một số thuốc.
- Phẫu thuật cắt dạ dày.
- Mức chất béo trung tính trong máu cao.
- Hội chứng chuyển hóa.
- Giảm cân nhanh chóng.
- Chất độc và hóa chất, chẳng hạn như thuốc trừ sâu.
- Bệnh Wilson.
Tuy nhiên, nếu bạn không có trong các yếu tố nguy cơ thì không có nghĩa bạn không thể mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Bệnh có thể gặp ở bất cứ ai, bao gồm cả trẻ nhỏ.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu
Bác sĩ sẽ xem xét triệu chứng của bạn và kết hợp một số xét nghiệm để chẩn đoán gan nhiễm mỡ không do rượu. Các xét nghiệm bao gồm:
- Chẩn đoán hình ảnh thông qua siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI).
- Xét nghiệm máu để loại trừ các bệnh viêm gan siêu vi (viêm gan A, B, hoặc C).
- Xét nghiệm chức năng gan để đo chức năng gan và nồng độ các chất sản xuất hoặc chuyển hóa ở gan.
- Sinh thiết gan để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác nhất.
Phương pháp điều trị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu hiệu quả
Không có tiêu chuẩn điều trị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu dứt điểm. Thay vào đó, bác sĩ sẽ điều trị các yếu tố nguy cơ để hạn chế diễn tiến xấu đi của bệnh. Tùy vào nguyên nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra lộ trình điều trị phù hợp.
- Béo phì: Áp dụng phương pháp giảm cân.
- Tiểu đường: Tuân thủ chế độ ăn của người bệnh tiểu đường, kiểm soát lượng đường chặt chẽ, tập luyện thể dục.
- Tăng cholesterol máu: Dùng thuốc hạ lipid máu, chế độ ăn ít chất béo.
- Không uống rượu bia.
- Loại bỏ các thuốc và độc chất gây hại cho gan.
- Luyện tập thể dục thể thao.
Ngoài ra có thể dùng thuốc để điều trị, tuy nhiên những thuốc này chưa phải là thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ hỗ trợ điều trị.
- Các chất chống oxy hóa.
- Thuốc hạ lipid máu.
- Thuốc bảo vệ gan.
Phẫu thuật sẽ được chỉ định khi điều trị nội khoa không có hiệu quả. Các phương pháp thường dùng như là nối tắt dạ dày, đặt bóng, ghép gan có thể được áp dụng.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của gan nhiễm mỡ không do rượu
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
- Cắt giảm đường và chất béo trong khẩu phần ăn.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
Để giảm nguy cơ bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, bạn nên:
- Chọn một chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc và các chất béo có lợi.
- Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức cân đối.
- Tập thể dục thường xuyên, đều đặn.
- Không nên áp dụng phương pháp giảm cân và tăng cân không khoa học.
- Sử dụng hóa chất cẩn thận.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.