Huyết khối tĩnh mạch sâu

Mục lục

Huyết khổi tĩnh mạch sâu là gì?

Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) là bệnh hình thành khi có cục máu đông ở một hoặc nhiều tĩnh mạch sâu trong cơ thể. Cục máu đông này khiến máu khó lưu thông và khu vực có mạch máu tắc nghẽn trở nên sưng phù, bầm đỏ và đau đớn. Khi máu tụ di chuyển đến phổi sẽ khiến tắt mạch phổi và có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng về hô hấp. Tĩnh mạch bị ảnh hưởng thường nằm ở lớp cơ sâu trong chân hoặc cũng có thể ở những vùng khác.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu

Các dấu hiệu thường gặp của huyết khối tĩnh mạch sâu bao gồm:

  • Sưng vù cả chân hoặc dọc theo mạch máu;
  • Chân bị đau nhức khi đứng hoặc đi bộ;
  • Cảm thấy nóng ở vùng chân bị sưng hoặc đau;
  • Da bị bầm đỏ.

Chỉ một nửa trong số những người mắc bệnh có xuất hiện các triệu chứng nêu trên, và các triệu chứng này chỉ xảy ra ở bên chân có huyết khối tĩnh mạch.

Nếu cục máu đông di chuyển đến phổi, bạn có thể gặp các triệu chứng tắc mạch phổi, bao gồm:

  • Khó thở không rõ nguyên nhân;
  • Cảm thấy đau khi hít vào;
  • Ho ra máu;
  • Thở gấp và nhịp tim nhanh cũng có thể là những dấu hiệu của tắc mạch phổi.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu

Các biến chứng do huyết khối tĩnh mạch sâu gây ra bao gồm:

Thuyên tắc phổi: Xảy ra khi động mạch phổi bị tắc nghẽn do cục máu đông từ nơi khác di chuyển đến phổi (thường là ở chân). Việc này có thể gây tử vong.

Hội chứng viêm tĩnh mạch sau huyết khối (Postphlebitic): Hội chứng này bao gồm một số triệu chứng như:

  • Phù nề chân;
  • Đau chân;
  • Đổi màu da.

Sau khi bị tắc nghẽn tĩnh mạch do huyết khối, thiệt hại mà nó gây ra là làm giảm lưu lượng máu ở các vùng bị ảnh hưởng. Postphlebitic được xem như biến chứng muộn của bệnh này.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi bạn thấy xuất hiện các dấu hiệu của huyết khối tĩnh mạch sâu, hoặc khi xuất hiện các triệu chứng tắc mạch phổi, bạn cần đến bác sĩ để được điều trị. Việc điều trị sớm sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến huyết khối tĩnh mạch sâu

Huyết khối tĩnh mạch sâu là hiện tượng cục máu đông xuất hiện trong các tĩnh mạch sâu của cơ thể, thường là ở chân. Bất cứ điều gì có thể gây nên huyết khối thì cũng có thể khiến bạn mắc phải căn bệnh này. Một số nguyên nhân gây bệnh thường gặp là:

Do lớp bên trong của mạch máu bị tổn thương: Tổn thương này có thể bị gây ra do các yếu tố bao gồm phẫu thuật, chấn thương nghiêm trọng, viêm nhiễm, phản ứng miễn dịch.

Lưu lượng máu chảy chậm: Ít vận động có thể khiến lưu lượng máu chảy chậm. Điều này có thể xảy ra sau khi bạn vừa trải qua một ca phẫu thuật, khi bị bệnh phải nằm trên giường trong nhiều ngày, hoặc phải di chuyển trên máy bay hay ô tô trong thời gian dài.

Máu của bạn dày và dễ đông hơn bình thường: Một số điều kiện di truyền (như yếu tố V Leiden), liệu pháp hormone và thuốc tránh thai có thể làm tăng nguy cơ đông máu.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu?

Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên phổ biến nhất từ độ tuổi trên 60. Bên cạnh đó, những người ít vận động, thai phụ, hoặc người mắc chứng rối loạn máu gây cục máu đông cũng có khả năng mắc huyết khối tĩnh mạch sâu cao hơn.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

  • Rối loạn đông máu di truyền.
  • Thời gian nằm trên giường kéo dài.
  • Chấn thương hay phẫu thuật.
  • Mang thai: Phụ nữ có rối loạn đông máu di truyền có nguy cơ cao. Nguy cơ huyết khối trong thai kỳ tiếp tục đến sáu tuần sau khi bạn đã sinh.
  • Dùng thuốc tránh thai hay các liệu pháp thay thế hormone.
  • Quá cân hay béo phì.
  • Hút thuốc.
  • Ung thư.
  • Suy tim.
  • Bệnh viêm ruột.
  • Gia đình có tiền sử mắc huyết khối tĩnh mạch sâu hay tắc nghẽn mạch phổi.
  • Tuổi tác: từ 60 tuổi trở lên, nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu của bạn sẽ tăng lên, mặc dù huyết khối có thể xảy ra ở mọi độ tuổi.
  • Ngồi trong thời gian dài, ví dụ như lái xe hay đi máy bay.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu

Bác sĩ chẩn đoán bệnh dựa các triệu chứng của bạn, khám lâm sàng để xem xét các khu vực có biểu hiện sưng, đau và thay đổi màu da. Trong trường hợp nghi ngờ mắc bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn tiến hành xét nghiệm. Các xét nghiệm bao gồm:

  • Siêu âm: Siêu âm vùng chân bị sưng phù hoặc các phần khác để phát hiện cục máu đông và để xem xét khả năng xuất hiện của cục máu đông mới.
  • Xét nghiệm máu D-dimer: Để đo nồng độ chất thải ra trong máu khi một cục máu đông tan đi. Nếu nồng độ của chất đó cao, bạn có thể đã bị huyết khối tĩnh mạch sâu.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI): Cung cấp hình ảnh trực quan của các tĩnh mạch sâu và để phát hiện cục máu đông.

Phương pháp điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu hiệu quả

Nguyên tắc trong điều trị là ngăn chặn đông máu dẫn đến hình thành cục máu đông, ngăn chặn biến chứng do cục máu đông gây ra và giảm thiểu nguy cơ tái phát bệnh.

Các phương pháp điều trị bao gồm:

  • Tiêm chất làm loãng máu (heparin) ngay lập tức để ngăn hình thành huyết khối và làm loãng máu.
  • Bên cạnh đó bác sĩ sẽ kê một số thuốc loãng máu (warfarin) để ngăn tình trạng huyết khối diện rộng đồng thời ngăn chặn hình thành mới.
  • Chất ức chế thrombin có thể sử dụng cho các bệnh nhân không thể dùng heparin.
  • Thrombolytics – chỉ dùng trong trường hợp nguy hiểm đến tính mạng.
  • Sử dụng lưới lọc tĩnh mạch chủ để ngăn các huyết khối di chuyển đến phổi.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của huyết khối tĩnh mạch sâu

Các biện pháp hạn chế diễn tiến của bệnh bao gồm:

  • Kiểm soát độ loãng của máu bằng cách dùng thuốc và xét nghiệm máu (xét nghiệm thời gian đông máu) theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Làm theo chỉ dẫn bác sĩ về việc giảm cân kết hợp tập thể dục đều đặn để giảm rủi ro huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) tái phát.
  • Đi lại và duỗi chân sau khi ngồi trong thời gian dài.
  • Dùng vớ nén để để giảm triệu chứng sưng phù. Vớ nén được đeo trên chân từ cổ chân đến đầu gối và bạn nên mang vớ ít nhất trong 1 năm nếu có thể.
  • Giữ chân cao trong khi ngồi hoặc nằm.
  • Giảm các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như ngưng hút thuốc lá, giảm cân nếu bạn béo phì, kiểm soát huyết áp luôn ổn định.
  • Bạn nên chú ý đến việc đưa vitamin K vào cơ thể vì chất này có thể làm giảm hiệu quả của warfarin. Vitamin K có trong các loại rau lá xanh và hạt cải và dầu đậu tương.
  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan