Lậu

Mục lục

Lậu là gì?

Lậu là bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục, tác động chính đến niệu đạo của nam giới và vùng tử cung của phụ nữ. Nguyên nhân của bệnh là do song cầu gram âm có tên Neisseria gonorrhoeae tạo ra.

Tìm hiểu chung

Lậu là bệnh gì?

Lậu là bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục, tác động chính đến niệu đạo của nam giới và vùng tử cung của phụ nữ. Nguyên nhân của bệnh là do song cầu gram âm có tên Neisseria gonorrhoeae tạo ra. Các triệu chứng của lậu tập trung chủ yếu ở vùng kín và cơ quan sinh dục; đồng thời khi đi tiểu người bệnh sẽ cảm thấy đau rát và có thể chứa mủ trong nước tiểu. Bệnh điều trị bằng thuốc kháng sinh nhưng người bệnh cần phải cẩn thận hơn khi quan hệ tình dục để tránh tái phát và lây bệnh cho người khác.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lậu

Tùy vào khu vực mà vi khuẩn khu trú và gây bệnh mà sẽ có những triệu chứng khác nhau. Triệu chứng lâm sàng bao gồm:

  • Tiểu buốt;
  • Khó chịu và đỏ ở phần niệu đạo;
  • Chảy mủ ở âm đạo (với nữ) và ở dương vật (với nam);
  • Ngứa hậu môn;
  • Có thể sốt, mệt mỏi, nhức khớp.
  • Trường hợp lậu ở họng thì sẽ cảm thấy, đau ngứa và đỏ ở họng, kèm giả mạc.
  • Trường hợp lậu ở mắt sẽ thất mắt bị sưng phù, có mủ trong mắt chảy ra, đỏ và loét vùng giác mạc, kết mạc.

Một số triệu chứng có thể chưa được nêu tại đây. bạn có thể tham khảo ý kiến bá sĩ để biết thêm thông tin về bệnh.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh lậu

Tùy vào đối tượng mà sẽ có những biến chứng khác nhau.

Đối với nam:

  • Niệu đạo bị thu hẹp lại và xơ cứng.
  • Dương vật phù nền và biến dạng.
  • Viêm tuyến tiền liệt: Thể biểu hiện bằng việc tiền liệt sưng to, tiểu buốt, dắt và sốt cao, mệt mỏi.
  • Viêm túi tinh: Bao gồm việc khi xuất tinh có cảm giác đau buốt và tinh dịch có lẫn với máu.
  • Viêm mào tình hoàn: Tinh hoàn to, sờ vào thấy đau, nhưng thường chỉ bị một bên.
  • Vô sinh.

Đối với nữ:

  • Áp-xe tuyến Skène, tuyến Bartholin: Đây là hai tuyến tiết ra dịch để giữ độ ẩm cho âm đạo. Khi bị lậu, hai tuyến này bị sưng, viêm, tạo mủ hoặc có thể bị xơ cứng.
  • Viêm cổ tử cung lộ tuyến.
  • Viêm niêm mạc tử cung: Tử cung phình to, đau và chảy máu ở âm đạo.
  • Vô sinh hoặc chửa ngoài tử cung.

Ngoài các biến chứng trên, lậu còn có thể ảnh hưởng đến cơ quan và bộ phần khác trong cơ thể như mắt, thân, bàng quang, gan, khớp với nhiều căn bệnh nguy hiểm.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Vì khả năng gây biến chứng nặng nề với những ai mắc bệnh nên khi bạn phát hiện các triệu chứng trên, bạn cần đến ngay bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra và điều trị khẩn cấp.

Mỗi người một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến chuyên gia để có phương án điều trị thích hợp. Việc tự điều trị tại nhà có thể dẫn đến những tổn thương nguy hiểm khác.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến bệnh lậu

Bệnh lậu do một loại vi khuẩn có tên Neisseria gonorrhoeae gây ra. đây là bệnh dễ dàng lây truyền từ người này sang người khác bằng các con đường:

  • Quan hệ tình dục giữa người bệnh và người khỏe mạnh, bao gồm cả việc quan hệ bằng miệng, hậu môn hay âm đạo.
  • Dùng chung các vật dụng cá nhân như khăn, quần áo hoặc ngủ chung với người bị bệnh lậu.
  • Dùng đồ chơi tình dục không vệ sinh trước hoặc không dùng bao cao su để bọc lại trước khi dùng.
  • Mẹ mắc lậu có thể gây biến chứng viêm kết mạc mắt cho con.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc bệnh lậu?

Bệnh có thể gặp phải ở bất kì ai khi có liên quan đến các nguyên nhân gây bệnh. Trong đó, nam giới có khả năng mắc bệnh nhiều hơn nữ và bệnh thường gặp ở những người trẻ tuổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lậu, bao gồm:

  • Quan hệ tình dục không dùng biện pháp bảo vệ.
  • Quan hệ với người bị nhiễm bệnh.
  • Quan hệ với nhiều người, đặc biệt là với người hành nghề mại dâm.
  • Mẹ mắc bệnh sinh con cũng có thể biến chứng do lậu.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh lậu

Các bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh lậu bằng cách:

  • Kiểm tra các triệu chứng lâm sàng.
  • Hỏi về tiền sử tiếp xúc, thói quen sinh hoạt và đời sống tình dục của bệnh nhân.
  • Xét nghiệm nước tiểu hoặc xét nghiệm dịch từ bộ phận sinh dục của bệnh nhân để tìm kiếm vi khuẩn gây bệnh.
  • Bác sĩ có thể tiến hành những xét nghiệm để chẩn đoán phân biệt giữa vi khuẩn gây bệnh lậu với vi khuẩn khác có thể gây ra triệu chứng tương tự như bệnh nhiễm  Chlamydia, trùng roi, nấm Candida, và các tạp khuẩn.

Phương pháp điều trị bệnh lậu hiệu quả

Để điều trị hiệu quả bệnh lậu cần tuân thủ nguyên tác điều trị:

  • Điều trị bằng thuốc kháng sinh dạng tiêm hoặc dạng uống.
  • Điều trị theo đúng phác đồ.
  • Điều trị kết hợp giữa bệnh nhân và bạn tình, có thể cả những người được nghi ngờ mắc bệnh.
  • Điều trị đồng thời với bệnh Chlamydia.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh lậu

  • Bệnh nhân cần tuân thủ đúng các hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
  • Đi tái khám thường xuyên.
  • Không quan hệ tình dục trong thời gian điều trị cho đến khi được thông báo là đã khỏi hẳn.
  • Không làm việc nặng.
  • Không thức khuya.
  • Không uống rượu bia và các chất kích thích.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

  • Quan hệ tình dục an toàn, lành mạnh.
  • Không dùng chung đồ chơi tình dục với người khác; vệ sinh sạch sẽ các vật dụng đó trước và sau khi dùng.
  • Nên dùng bao cao su và các vật dụng bảo vệ khác khi quan hệ tình dục.
  • Nếu có bệnh, bạn nên thẳng thắn chia sẻ với bạn tình, không nên che giấu vì sẽ làm lây bệnh cho họ.
  • Mẹ mắc bệnh lậu cần thông báo với bác sĩ khi sinh con để có biện pháp bảo vệ bé khỏi biến chứng do lậu gây ra.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan