Loét miệng
Mục lục
Loét miệng là gì?
Tìm hiểu chung
Loét miệng là gì?
Loét miệng hay còn gọi là lở miệng là trạng thái tổn thương vùng miệng với các vết sưng, tấy, đốm trong miệng, trên môi hay vùng lưỡi. Dạng loét miệng thường gặp là viêm áp-tơ, loét mụn rộp, bạch sản, và nấm miệng Candida. Các tổn thương này gây khó khăn trong sinh hoạt ăn uống, hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn khiến cơ thể không đủ vitamin, chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe, nguy cơ gây ra một số bệnh lý khác.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của loét miệng
Bệnh loét miệng thường có những triệu chứng sau:
- Rối loạn tiêu hóa, tiêu hóa kém, đầy hơi;
- Đau bụng, tiêu chảy;
- Người xanh xao, ốm yếu, sụt cân;
- Cơ thể thường có trạng thái tê, chuột rút;
- Tâm lý dễ cáu gắt.
Ngoài ra, người bệnh còn có thể có một số biểu hiện như đau rát vùng miệng, chán ăn,…
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bệnh loét miệng khá phổ biến nhưng không vì vậy mà người bệnh coi thường. Nếu gặp bất kỳ triệu chứng như trên hay các biểu hiện sau:
- Viêm loét miệng không lành sau 2 tuần.
- Trở ngại chức năng: khó nhai, khó nói, tăng tiết nước bọt.
- Loét miệng kèm răng lung lay không rõ nguyên nhân.
- Loét miệng lan rộng,…
Hãy đến ngay cơ sở y tế hoặc bác sĩ để được tư vấn điều trị kịp thời ngăn chặn những bệnh lý khác như viêm loét rộng, hôi miệng, khó khăn trong sinh hoạt ăn uống, ung thư,…
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến loét miệng
- Loét miệng thường là khởi phát của các bệnh như tổn thương nhỏ ở khoang miệng do sinh hoạt không đúng cách: sử dụng bàn chải răng quá to, quá cứng, do vô tình cắn phải niêm mạc miệng, lưỡi…; sử dụng sản phẩm răng miệng có chứa chất sodium lauryl sulphate cũng có thể gây viêm loét miệng.
- Loét miệng do chế độ dinh dưỡng: thức ăn, gia vị có chứa axit, nhạy cảm với các thực phẩm như chocolate, cà phê, dâu, trứng, pho mát, dứa. Mặc khác, người bệnh có chế độ ăn thiếu vitamin B12 , kẽm, folate, sắt khiến cho cơ thể dễ bị tổn thương da, niêm mạc.
- Viêm loét miệng do vi khuẩn, virus cư trú trong khoang miệng như loét miệng do vi khuẩn H.pylori và một số nguyên nhân do thay đổi nội tiết trong chu kỳ kinh nguyệt và căng thẳng về mặt tâm lý (stress).
- Loét miệng thường xảy ra đối với người có bệnh về viêm đại tràng, viêm loét ruột non, bệnh Behcet, bệnh nhân có tình trạng suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS).
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ loét miệng?
Loét miệng là bệnh thường gặp ở nhiều lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, do đó chúng ta nên kiểm soát bệnh bằng cách ngăn chặn và giảm các yếu tố nguy cơ về bệnh.
Yếu tố làm tăng nguy cơ loét miệng
Bệnh loét miệng xảy ra ở các vùng nhiệt đới gió mùa như Đông Nam Á, Ấn Độ,…
Ở Việt Nam, bệnh thường xảy ra vào mùa khô, nắng hoặc đông lạnh. Do đó, chúng ta nên có chế độ dinh dưỡng, bảo vệ sức khỏe đặc biệt vào thời gian này.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán loét miệng
Chẩn đoán máu loét miệng qua các biểu hiện, triệu chứng lâm sàng. Ngoài ra, bạn sẽ được chỉ định xét nghiệm:
- Công thức máu, các thành phần máu: Ion đồ, sắt, ferritin, kẽm, folate, B12.
- Sinh thiết vết loét tìm hiểu nguyên nhân.
- Xét nghiệm bảng chuyển hóa toàn diện.
Phương pháp điều trị loét miệng hiệu quả
Nếu bị loét thông thường, điều trị thường không cần thiết. vết loét sẽ tự động hết sau 1 – 2 tuần khi bạn điều chỉnh lại việc vệ sinh răng miệng và chế độ ăn uống.
Nếu loét miệng dai dẳng và gây đau đớn, bạn phải nhờ đến sự chăm sóc y tế, bao gồm cả việc dùng thuốc, thay đổi lối sống sinh hoạt. Các loại thuốc kháng sinh thường sử dụng trong điều trị loét miệng.
- Tetracycline.
- Sulfamethoxazole và trimethoprim (bactrim).
- Oxytetracycline.
- Ampicillin.
Ngoài ra, bác sĩ có thể cho bạn dùng nước súc miệng có chứa dexamethasone steroid để giảm đau và viêm; dùng dịch và điện giải, sắt, axit folic và vitamin B12. Trong đó, axit folic được sử dụng tối thiểu trong 3 tháng. Chỉ sử dụng riêng axit folic cũng đủ làm giảm các triệu chứng của bệnh.
Việc dùng thuốc và liều lượng sử dụng cần phải theo tình trạng bệnh và có hướng dẫn trực tiếp từ bác sĩ.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của loét miệng
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
- Hạn chế nói chuyện khi đang ăn để tránh việc cắn trúng lưỡi hoặc niêm mạc.
- Lựa chọn bàn chải răng thích hợp và làm vệ sinh răng miệng thường xuyên, đúng cách để lợi răng không bị tổn thương.
- Thực hiện chế độ sinh hoạt lành mạnh, khoa học; hạn chế sử dụng thuốc lá, rượu bia, thức khuya.
- Làm việc khoa học, có kế hoạch; tránh làm việc quá sức, căng thẳng, stress.
- Chế độ chăm sóc sức khỏe khoa học, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin C, B1 , B6 , B12 , PP và các yếu tố vi lượng kẽm, đồng nhằm đảm bảo cho da, niêm mạc khỏe mạnh, không bị tổn thương.
- Thay đổi thói quen ăn uống như không ăn quá nhiều thức ăn có chứa chất kích thích khoang miệng như ớt, hạt tiêu, giấm,…
Với những thói quen sinh hoạt khoa học, bạn sẽ tránh được được những phiền toái do bệnh loét miệng gây ra cho đời sống, sinh hoạt và làm việc.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.