Nấm móng
Mục lục
Nấm móng là gì?
Tìm hiểu chung
Nấm móng là bệnh gì?
Nấm móng là một bệnh da liễu thường gặp do vi khuẩn nấm gây ra. Bệnh chủ yếu ở vùng móng tay, móng chân; có khả năng lây lan rất nhanh, khó điều trị và dễ tái phát.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng khi bị nấm móng
Bệnh nấm móng thường bị ở xung quanh đầu móng tay hoặc móng chân với các dấu hiệu sau:
- Vùng móng tay, móng chân ngứa, bứt rứt khó chịu;
- Đầu móng xuất hiện màu trắng đục loang lổ;
- Móng mềm, dễ gãy;
- Nấm tích tụ và chất bẩn dưới móng gây ra mùi hôi;
- Móng bị bong ra khỏi ngón chân hoặc ngón tay và ít khi có cảm giác đau.
Những tổn thương ở vùng nấm móng xuất hiện đối xứng hai bên. Trường hợp nặng hơn có thể xuất hiện mủ và sưng đỏ.
Biến chứng có thể gặp khi bị nấm móng
Bệnh nấm móng có thể gây đau đớn và để lại tổn thường vĩnh viễn trên móng. Có thể do thuốc, suy giảm hệ miễn dịch hay với người mắc bệnh mắc tiểu đường mà bệnh nấm móng dẫn đến những nhiễm trùng khá nghiêm trọng khác và thậm chí làm lây lan đến những vị trí khác trên cơ thể.
Đối với bệnh nhân bị bệnh tiểu đường, bệnh bạch cầu hay bệnh AIDS khi hệ miễn dịch ở họ bị suy giảm, chỉ cần một vết xước nhỏ trên da cũng có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi phát hiện các dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên thì cần đến gặp các bác sĩ ngay lập tức. Cơ địa mỗi người là khác nhau nên bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến nhiễm nấm móng
Nấm móng là bệnh da liễu chủ yếu do hai nhóm nấm chính gây ra là nấm sợi tơ có tên khoa học là Dermatophytes và nấm hạt men có tên khoa học là Candida.
Nấm là những sinh vật nhỏ, có khả năng sinh sống không cần ánh nắng mặt trời. Chúng sống trong môi trường ấm áp, ẩm ướt như bể bơi, phòng tắm hoặc khăn tắm. Các vi khuẩn nấm xâm nhập vào da thông qua những vết xước hoặc các kẽ hở giữa các kẻ móng.
Bệnh xuất hiện phổ biến khi nhiễm vi khuẩn nấm do quá trình vệ sinh hàng ngày không được cẩn thận.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ nhiễm nấm móng?
Nấm móng dễ gặp ở người lớn tuổi, trẻ em nhỏ bởi hai đối tượng này thường xuyên để chân và tay tiếp xúc môi trường nhiều nấm mốc. Hơn nữa, ở người lớn tuổi, móng tay có thể dày lên và phát triển chậm hơn theo sự gia tăng tuổi tác nên rất dễ bị nhiễm khuẩn.
Bệnh cũng có thể là do gen di truyền. Nếu trong nhà từng có người nhiễm nấm móng thì nguy cơ các thành viên khác mắc bệnh là rất cao.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh nấm móng, bao gồm:
- Điều kiện môi trường ẩm ướt là nơi lý tưởng để nấm móng phát triển.
- Đổ mồ hôi tay chân nhiều.
- Người thường xuyên làm việc trong môi trường ẩm ướt hoặc ấm.
- Bệnh nhân đã và đang mắc bệnh da vảy nến.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh nấm móng
Bác sĩ sẽ lấy mẫu móng từ việc cạo mảng da ở móng để xét nghiệm, các mảnh này được soi dưới kính hiển vi hay nuôi cấy ở trong phòng thí nghiệm giúp tìm ra vi khuẩn và chẩn đoán bệnh, từ đó sẽ có hướng điều trị cho bệnh nhân.
Phương pháp điều trị bệnh nấm móng hiệu quả
Để điều trị nấm móng, các bác sĩ sẽ kết hợp điều trị bằng thuốc uống, thuốc bôi ngoài da, thuốc sục rửa, ngâm.
Thuốc uống
Sử dụng thuốc chống nấm toàn thân dựa trên 3 tiêu chuẩn: Phổ tác dụng, dược động học của thuốc, tác dụng lâm sàng.
Có thể dùng: Griseofulvin (chỉ có tác dụng trên nấm sợi tơ), ketoconazol, clotrimazole, fluconazole, itraconazole, terbinafine,… (có tác dụng trên cả hai loại nấm). Có thể dùng thêm các thuốc kháng viêm, kháng histamine hay kháng sinh nếu có thêm các triệu chứng khác.
Thuốc bôi ngoài da
Thuốc bôi chống nấm tại chỗ như:
- Dung dịch màu sát trùng castellani.
- Thuốc làm mỏng tổn thương nhằm làm tăng tính thấm của thuốc như salicylic acid 5%.
- Thuốc kháng nấm: Nhóm azole (ketoconazole, clotrimazole, miconazole, sulconazole, oxiconazole, econazole); nhóm allylamine (natifine, terbinafine); nhóm các acid (salicylic, undecylenic); nhóm polyenes (nystatin).
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh nấm móng
- Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Sử dụng thuốc trị nấm theo điều trị của bác sĩ, không nên tự ý mua thuốc.
- Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
Bệnh nấm móng không phải là một căn bệnh nguy hiểm nhưng rất khó điều trị và dễ lây lan. Do đó, để tránh bị nhiễm khuẩn nấm móng, bạn cần phải phòng ngừa bằng cách:
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân.
- Không dùng chung khăn tắm, giày dép, tất.
- Không mang tất ẩm hoặc mặc quần áo còn ẩm ướt.
- Tránh đi chân trần ở những nơi công công, nhà tắm hay phòng thay đồ.
- Giữ bàn tay, bàn chân luôn khô ráo, sạch sẽ bằng cách đeo găng tay cao su khi tiếp xúc với nước. Tránh ngâm tay chân trong thời gian dài dưới nước. Sau khi làm việc trong môi trường nước, cần rửa sạch, lau khô bàn tay, bàn chân ngay.
- Phơi đồ ở nơi có ánh nắng mặt trời.
- Khi phát hiện các triệu chứng nên đến các bệnh viện để kiểm tra và điều trị đúng bệnh.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.