Nhiễm Shigella
Mục lục
Nhiễm Shigella là gì?
Tìm hiểu chung
Nhiễm Shigella là bệnh gì?
Nhiễm Shigella hay còn gọi là bệnh lỵ trực khuẩn, lỵ trực trùng. Bệnh do một nhóm các vi khuẩn gram âm tính có hình quy, không có lông gây nên. Nhóm vi khuẩn này được đặt theo tên của nhà vi khuẩn học người Nhật Kiyoshi Shiga, người đầu tiên phát hiện ra chúng vào năm 1897.
Khuẩn Shigella là tác nhân gây bệnh lỵ trực khuẩn ở người. Bệnh có thể gây ra viêm dạ dày ruột với bệnh lỵ.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng khi nhiễm Shigella
Nhiễm Shigella với một số người bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, các vi khuẩn Shigella vẫn tồn tại trong phân người bệnh và có thể lây truyền bệnh cho người khác.
Các dấu hiệu dễ nhận thấy ở người bệnh nhiễm Shigella thường bắt đầu xuất hiện 1 hoặc 2 ngày sau khi bị lây nhiễm vi khuẩn, chậm nhất là 7 ngày để các triệu chứng trở nên rõ ràng hơn. Trong khoảng thời gian ủ bệnh, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng sau:
- Tiêu chảy (phân có nhiều mủ nhầy và thường có máu);
- Đau bụng quặn và đầy hơi;
- Sốt;
- Buồn nôn, nôn.
Biến chứng có thể gặp khi nhiễm Shigella
Nhiễm Shigella nếu không kịp chẩn đoán và điều trị sẽ gây tử vong. Việc bị tiêu chảy trong thời gian dài sẽ khiến cho người bệnh bị mất nước và chất điện giải, gây ra các biến chứng như:
- Gây giảm lưu lượng máu đến các cơ quan quan trọng trong cơ thể.
- Suy thận, suy tuần hoàn.
- Co giật.
- Hội chứng tăng urê máu – tan máu.
- Hội chứng ruột kích thích.
- Không dung nạp Lactose.
Một số biến chứng xảy ra khi tiêu chảy nặng:
- Hoại tử ruột: Bệnh nhân đi cầu ra một chất dịch nặng mùi kèm mảng hoại tử màu xám hay màu đen.
- Xuất huyết : Bệnh nhân đi cầu ra máu tươi nhiều gây thiếu máu cấp.
- Thủng đại tràng gây viêm phúc mạc (ít gặp).
- Sa trực tràng.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi xảy ra các triệu chứng trên hoặc khi bạn gặp các vấn đề sau đây, bạn nên đi khám ngay.
- Bị tiêu chảy ra máu hoặc tiêu chảy nghiêm trọng khiến bạn giảm cân nhanh chóng và mất nước.
- Tiêu chảy kèm theo sốt 38 độ C hoặc cao hơn.
Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến nhiễm Shigella
Vi khuẩn Shigella thường lây qua đường tiêu hóa. Bệnh có thể lây nhiễm trong các trường hợp sau:
- Lây nhiễm trực tiếp: Sau khi thay tã cho người bị nhiễm khuẩn mà bạn không rửa tay kỹ với xà phòng, tay bạn có thể bị dính phải phân người bệnh và tự lây nhiễm cho chính bạn. Tiếp xúc trực tiếp với người bệnh là con đường lây nhiễm phổ biến nhất.
- Ăn phải thực phẩm bị nhiễm khuẩn Shigella.
- Uống phải nguồn nước bị ô nhiễm có chứa khuẩn Shigella.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường có nguy cơ nhiễm Shigella?
Bất cứ ai cũng có nguy cơ nhiễm Shigella. Bệnh dễ lây từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Tính chất của bệnh rất nguy hiểm và có thể bùng phát thành dịch bệnh nếu không có biện pháp phòng ngừa.
Yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm Shigella, bao gồm:
- Trẻ nhỏ từ 2 – 4 tuổi thường dễ gặp nhất. Ở người lớn, bệnh xảy ra ở nữ nhiều hơn nam.
- Bệnh phổ biến vào mùa hè do ruồi nhặng phát triển khiến nguy cơ lây nhiễm bệnh càng cao.
- Bệnh hay bộc phát trong môi trường tập thể như nhà dưỡng lão, bệnh viện tâm thần, các trung tâm nuôi trẻ chậm phát triển, nhà trẻ, trường học, trại tân binh, ký túc xá, nhà giam…
- Sự lây nhiễm trong gia đình xảy ra sau khi có trẻ nhỏ bị mắc bệnh.
- Ăn phải thức ăn được nuôi hoặc trồng trọt trong vùng ô nhiễm, nhiều rác thải sinh hoạt.
- Quan hệ đồng tính nam.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm Shigella
Nhiễm Shigella có các triệu chứng điển hình như tiêu chảy hay phân có chất nhầy hoặc máu. Tuy nhiên để xác định người bệnh có nhiễm Shigella hay không thì phải lấy mẫu phân làm xét nghiệm để tìm sự hiện diện của vi khuẩn hay độc tố của chúng.
Phương pháp điều trị nhiễm Shigella hiệu quả
Điều trị bằng kháng sinh
Nhiễm Shigella có thể tự khỏi sau 7 ngày đối với người có sức đề kháng tốt và mức độ nhiễm nhẹ. Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh nặng, miễn dịch yếu, nguy cơ lây lan cao thì cần dùng kháng sinh để điều trị.
Thời gian điều trị kháng sinh là 5 ngày. Tuy nhiên, thời gian dùng kháng sinh có thể thay đổi tùy thuộc vào lời khuyên của bác sĩ dựa trên mẫu kết quả xét nghiệm phân.
Điều trị triệu chứng
Khi mới nhiễm Shigella, người bệnh thường bị tiêu chảy và mất nước, chất điện giải ở mức nhẹ nhưng nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nặng hơn, có thể là tử vong. Do đó, cần phải thực hiện các phương pháp điều trị kèm theo khi điều trị bệnh bằng kháng sinh.
- Bổ sung nước và điện giải.
- Không được dùng các thuốc làm giảm nhu động ruột và giảm đau, các loại dẫn xuất từ cây thuốc phiện vì không những chúng làm chậm thải vi khuẩn, kéo dài thời gian bệnh mà còn có thể làm cho bệnh nặng thêm, làm ức chế hô hấp, liệt ruột, chướng bụng. Trường hợp bệnh nhân đau bụng nhiều, mót rặn nhiều, đe dọa sa trực tràng có thể cho dùng thuốc an thần.
- Hạ nhiệt khi sốt cao, kèm theo thuốc an thần phòng co giật.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của nhiễm Shigella
- Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi có những cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
Để phòng ngừa bệnh hiệu quả:
- Tuyên truyền giáo dục về Shigella.
- Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi tiếp xúc với người bệnh.
- Đảm bảo ăn uống hợp vệ sinh.
- Giữ thức ăn đã nấu vào bát đĩa sạch, tách riêng với những thực phẩm sống và những bát đĩa có thể bị ô nhiễm .
- Không để ruồi bâu vào thức ăn bằng cách đậy lồng bàn.
- Xử lý phân đúng quy trình.
- Cách ly người bệnh với những người trong gia đình.
- Khi phát hiện các triệu chứng nên đến các bệnh viện để kiểm tra và điều trị đúng bệnh.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.