Nhiễm trùng tiết niệu
Mục lục
Nhiễm trùng tiết niệu là gì?
Tìm hiểu chung
Nhiễm trùng tiết niệu là gì?
Đường tiết niệu bao gồm các cơ quan như thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo; các cơ quan này có chức năng sản xuất, lưu trữ và đào thải nước tiểu.
Tình trạng xuất hiện vi khuẩn ở bất kỳ các cơ quan nào thuộc đường tiết niệu gây nên tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu, hay còn gọi là bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng tiết niệu
Những dấu hiệu, triệu chứng phổ biến nhất là đi tiểu thường xuyên nhưng tiểu không nhiều, nước tiểu đục và có mùi hôi, xuất hiện máu và mủ trong nước tiểu. Đặc biệt đối với nữ giới sẽ có cảm giác đau đớn vùng xương mu.
Tùy thuộc vào việc cơ quan nào của đường tiết niệu bị bệnh sẽ có dấu hiệu hay triệu chứng đặc trưng khác:
- Nhiễm trùng niệu đạo: Bệnh nhân đi tiểu buốt và có dịch từ niệu đạo tiết ra.
- Nhiễm trùng thận: Bệnh nhân sẽ sốt cao, buồn nôn, ói mửa, đau lưng, cả cơ thể hoặc tay chân run rẩy.
- Nhiễm trùng bàng quang: Thường đau tức vùng bụng dưới, đi tiểu thường xuyên, tiểu buốt và có máu.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng tiết niệu
Nguyên nhân hàng đầu gây bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu là nhiễm khuẩn E.coli (Escherichia coli) ở ruột. Loại vi khuẩn này sống ở vùng da gần hậu môn có thể di chuyển đến các cơ quan khác trong cơ thể để gây bệnh. Đặc biệt, ở nữ giới có đường tiểu và hậu môn khá gần nhau nên tỉ lệ mắc bệnh đặc biệt cao hơn nam giới.
Nhiễm trùng đường tiết niệu ở nữ giới có thể do quan hệ tình dục hoặc không do quan hệ tình dục, khuẩn E.coli ở khu vực hậu môn vẫn có thể di chuyển lên đường tiểu và gây nhiễm trùng tại đây.
Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác nữa, chẳng hạn như:
- Do biến chứng của bệnh sỏi thận, tiểu đường, u tuyến tiền liệt,…
- Xạ trị vùng xương chậu.
- Nhiễm trùng do đặt ống thông cơ thể trong thời gian dài.
- Một số loại thuốc hóa trị như ifosfamide và cyclophosphamide.
- Dị ứng một số chất hóa học trong các sản phẩm dùng thông dụng như: dung dịch vệ sinh phụ nữ, xà phòng tạo nhiều bọt,…
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu?
Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể xảy ra ở bất kì lứa tuổi hay giới tính nào. Tuy nhiên nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới vì nhiều yếu tố: đường niệu đạo ngắn hơn nam giới, đường tiểu gần hậu môn.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng tiết niệu, bao gồm:
- Quan hệ tình dục không an toàn.
- Giới tính nữ: Đặc biệt người đã mãn kinh, estrogen trong cơ thể suy giảm, cơ thể nhạy cảm hơn, dễ nhiễm trùng hơn.
- Đặt ống thông trong thời gian khá dài.
- Suy giảm hệ miễn dịch.
- Tắc nghẽn đường tiểu do soi hoặc phì đại tuyến tiền liệt làm ứ đọng nước tiểu ở đường tiểu.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm trùng tiết niệu
Xét nghiệm nước tiểu là phương pháp cơ bản nhất để chẩn đoán bệnh. Mẫu nước tiểu được lấy là nước tiểu giữa dòng để không bị ngoại nhiễm. Các bác sĩ còn có thể nuôi cấy vi khuẩn trong nước tiểu trong phòng thí nghiệm để xác định chính xác loại vi khuẩn nào gây bệnh.
Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể được chỉ định chụp CT hoặc siêu âm. Phương pháp chụp cản quang đài có thể được tiến hành để thu nhận hình ảnh đường tiết niệu rõ ràng hơn, từ đó các bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác nhất có thể.
Phương pháp điều trị nhiễm trùng tiết niệu hiệu quả
- Bác sĩ có thể cho bệnh nhân dùng thuốc kháng sinh trong khoảng từ 3 đến 10 ngày, bệnh nhân phải uống nhiều nước để hỗ trợ thuốc phát huy tác dụng và góp phần làm sạch đường tiểu.
- Nước ép chứa nhiều vitamin C được khuyến khích uống, tránh uống các thứ nước có cồn và caffeine.
- Sử dụng thuốc giảm đau như ibuprofen, acetaminophen, phenazopyridine theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Nghỉ ngơi thường xuyên, tránh làm nặng khi đang sốt cao và đau đớn.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, nhất là vùng kín. Vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi quan hệ tình dục.
- Uống đủ nước mỗi ngày, bổ sung vitamin C từ các loại nước ép trái cây tươi.
- Tuyệt đối không nhịn tiểu.
- Nếu đang sử dụng thuốc tránh thai hay bất kì biện pháp tránh thai nào hãy nói với bác sĩ để tránh việc tương tác giữa các loại thuốc với thuốc tránh thai.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.