Rò luân nhĩ
Mục lục
Rò luân nhĩ là gì?
Tìm hiểu chung
Rò luân nhĩ là gì?
Bệnh rò luân nhĩ là một dị tật bẩm sinh, khi vùng trước vành tai có một lỗ nhỏ. Chỉ thường thấy ở một bên. Bệnh xuất hiện ở nữ nhiều hơn nam. Lỗ rò đi sâu vào bên trong để bám vào sụn. Nhưng nếu chữa trị không đúng cách, không chỉ gây mất thẩm mĩ mà còn gây nhiều biến chứng nguy hiểm sau này.
Lỗ rò bé bằng đầu tăm trên da khi bị viêm nhiễm hay bị tắt thường gây ra cảm giác ngứa, tiết ra chất bã đậu, màu trắng có mùi hôi hoặc phình ra tạo nang (nang bị bội nhiễm sẽ to dần và tạo ra áp-xe rò luân nhĩ).
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của rò luân nhĩ
Bệnh rò luân nhĩ thường không xuất hiện dấu hiệu hay triệu chứng bất thường ngoài chúng ta chỉ thấy một lỗ nhỏ trên da. Thỉnh thoảng người bệnh sẽ có cảm giác:
- Chỗ miệng ống rò có thể chảy dịch hôi;
- Khi bị viêm nhiễm sẽ bị ngứa, tiết ra chất bã đậu màu trắng, hôi;
- Chỗ rò phình ra một nang (nếu nang vỡ dễ tạo sẹo, nhăn rúm);
- Nang này bị bội nhiễm sẽ tạo ra áp-xe rò luân nhĩ.
Bệnh rò luân nhĩ không ảnh hưởng gì đến thính lực.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Lỗ rò nhiễm trùng khiến nhiều người lầm tưởng là mụn nhọt nên hay tự nặn, dùng kháng sinh điều trị. Điều này rất nguy hiểm bởi nguy cơ lỗ rò bị viêm nhiễm, xơ sẹo nhiều lần, gây co dính ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thẩm mỹ và khó khăn cho những lần điều trị sau này. Do đó, khi có triệu chứng như trên, hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra. Người bệnh không nên chủ quan, bỏ qua các triệu chứng của bệnh bởi nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đếm rò luân nhĩ
Bệnh rò luân nhĩ do bẩm sinh, do khe mang thứ nhất khép không hoàn toàn trong thời kỳ phôi thai. Đây là một loại bệnh về nhiễm sắc thể.
Đường rò là một ống rất nhỏ có miệng ở trước trên cửa tai và chui ngầm vào bên trong rễ vành tai. Nó có thể nông sâu dài ngắn khác nhau (độ dài có thể từ vài mm đến hơn 3cm), đơn giản hoặc phức tạp (một nhánh hay nhiều nhánh, chạy nông hoặc chạy sâu) với miệng ống phía trước rễ luân nhĩ. Lót lòng ống có tổ chức nang lông, tuyến mồ hôi, tuyến bã và lớp biểu bì bong tróc. Chính vì thế mà ống này hay bị bít tắc và gây nhiễm trùng. Thỉnh thoảng người bệnh có cảm giác vùng tai chảy dịch hôi, nếu bị nhiễm trùng sẽ gây ra các triệu chứng sưng tấy, tụ mủ, lở loét và lâu lành gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ rò luân nhĩ?
Rò luân nhĩ là bệnh bẩm sinh có tính di truyền. Bệnh thường gặp hơn ở nữ giới.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán rò luân nhĩ
Bác sĩ chẩn đoán bệnh qua đường rò xuất hiện ở vùng tai, quan sát tình trạng viêm nhiễm, tổn thương.
Nuôi cấy dịch để xét nghiệm tìm tác nhân gây bệnh và để điều trị bằng kháng sinh phù hợp.
Phương pháp điều trị rò luân nhĩ hiệu quả
Người bệnh không nên tự ý điều trị khi lỗ rò rỉ bị viêm hay sưng tấy, nên lắng nghe và làm theo hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ. Một số phương pháp điều trị như sau:
- Khi lỗ rò luân nhĩ bị viêm (nang chưa bị vỡ) nên sử dụng thuốc kháng sinh kết hợp phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn lỗ rò để tránh viêm nhiễm và tái phát. Điều này giúp phòng ngừa các biến chứng như vỡ nang, áp-xe.
- Khi bị áp-xe hoặc vỡ nang (do tự vỡ hay chích rạch) phải dùng kháng sinh kết hợp dẫn lưu tốt không nên mổ lấy đường rò giai đoạn này
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của rò luân nhĩ
Bệnh rò luân nhĩ là một dạng bệnh bẩm sinh nên việc phòng ngừa chủ yếu là ngăn ngừa viêm nhiễm vùng rò bằng cách vệ sinh sạch sẽ hằng ngày vùng quanh mang tai, lỗ rò bằng nước sạch. Không nên dùng tay bóp, nặn, sờ vào lỗ rò sẽ gây hiện tượng viêm, nhiễm.
Khi có dấu hiệu viêm nhiễm hãy đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.