Rối loạn cảm xúc lưỡng cực
Mục lục
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực là gì?
Tìm hiểu chung
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực là gì?
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực hay còn được gọi là chứng trầm cảm lưỡng cực, là một bệnh tâm thần đặc trưng bởi tâm trạng bất ổn, rối loạn khí sắc. Bệnh có tính chất chu kỳ, xen lẫn giữa ức chế và hưng phấn.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn cảm xúc lưỡng cực
Triệu chứng trầm cảm:
- Khí sắc trầm cảm hầu như suốt ngày;
- Giảm sự quan tâm, thích thú trong các hoạt động thường ngày;
- Sụt cân hoặc tăng cân đáng kể mà không có lý do;
- Mất ngủ hoặc ngủ nhiều;
- Mệt mỏi, mất sinh lực;
- Giảm khả năng tập trung suy nghĩ, thường do dự;
- Thường xuyên suy nghĩ về cái chết, tư tưởng tự tử tái diễn nhiều lần;
- Cảm giác vô dụng, tội lỗi quá mức;
- Không thấy tương lai lạc quan;
- Luôn hiện diện cảm xúc không hạnh phúc.
Triệu chứng hưng phấn:
Cơn hưng phấn của rối loạn cảm xúc lưỡng cực có thể kéo dài một tuần hoặc hơn. Trong giai đoạn đó, người mắc chứng này luôn cảm thấy cực kỳ tốt, giàu năng lượng, cao hứng. Sự gia tăng về khí sắc này đôi khi mạnh mẽ khiến bệnh nhân bị mất liên lạc với thực tế, tin vào những điều kỳ lạ, có những nhận định sai lầm, có những hành vi đáng xấu hổ thậm chí là nguy hiểm. Biểu hiện như sau:
- Quan trọng hóa bản thân, tự cao, bốc đồng;
- Nói nhanh và nói to hơn bình thường;
- Có những ý tưởng lớn và vô cùng lạc quan;
- Giảm nhu cầu ngủ, dễ bị kích động, đãng trí.
Số lượng tần suất của cơn hưng cảm và trầm cảm là khác nhau giữa các người bệnh, một số người chỉ bị một, hai cơn, trong khi một số người lại bị rất nhiều cơn hưng phấn và trầm cảm.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực có thể sẽ rất nguy hiểm vì dễ dẫn bệnh nhân đến suy nghĩ và hành động tự sát.
Nên tới gặp bác sĩ tâm thần khi bạn hoặc người thân có những biểu hiện như vừa nêu. Nếu đã được chẩn đoán bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực, điều quan trọng là không để bị tái phát trong tương lai.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn cảm xúc lưỡng cực
Nguyên nhân gây ra bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực là do sự mất cân bằng của các chất truyền tin trong não bộ.
Các tổn thương tâm lý như mất đi người thân, tan vỡ trong một mối quan hệ, hay các căng thẳng lớn khác có thể khởi phát bệnh.
Rối loạn cảm xúc lưỡng cực có thể xảy ra trong gia đình, tuy nhiên những người mà không có ai trong gia đình bị mắc bệnh vẫn có thể rơi vào căn bệnh này. Theo nghiên cứu, nguy cơ mắc rối loạn lưỡng cực ở bất kỳ ai là 1/100, tuy nhiên với gia đình có thành viên bị mắc chứng rối loạn này thì nguy cơ có thể tăng lên 1/10.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc phải rối loạn cảm xúc lưỡng cực?
Các yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển rối loạn lưỡng cực bao gồm:
- Có người thân như cha mẹ hoặc anh, chị, em ruột đã bị rối loạn lưỡng cực.
- Có thời kỳ căng thẳng cao độ.
- Lạm dụng thuốc hoặc lạm dụng rượu.
- Cuộc sống thay đổi lớn, chẳng hạn như cái chết của một người thân.
- Đang trong độ tuổi thanh niên.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán rối loạn cảm xúc lưỡng cực
Dựa vào những triệu chứng hiện tại và trong quá khứ của các đợt bệnh trước. Rối loạn cảm xúc lưỡng cực có thể được chẩn đoán khi một người từng có ít nhất 2 đợt xáo trộn tâm lý trầm trọng.
Phương pháp điều trị rối loạn cảm xúc lưỡng cực hiệu quả
Đối với bệnh trầm cảm
Các đợt trầm cảm sẽ được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm, có thể phối hợp với thuốc chống co giật, chống loạn thần kinh không điển hình và các liệu pháp tâm lý.
Có thể sử dụng một trong các thuốc sau:
- Lamotrigine: 200 – 400mg/ngày
- Valproate: depakin 200 – 400mg/ngày
- Carbamazepine: 200 – 400mg/ngày
Phối hợp với các thuốc chống loạn thần:
- Quetiapine: 100 – 300mg/ngày hoặc
- Olanzapine: 10 – 30mg/ngày
Phối hợp với các thuốc chống trầm cảm:
- Amitriptylin: 50 – 100mg/ngày
- Sertraline: 50 – 100mg/ngày
- Mirtazapine: 30 – 60mg/ngày
Trong trường hợp người trong giai đoạn trầm cảm có dấu hiệu tự sát mãnh liệt, hoặc không đáp ứng trị liệu cần được nhập viện để theo dõi và điều trị tốt hơn.
Đối với bệnh hưng phấn
Các đợt hưng cảm có thể được điều trị bằng thuốc chống loạn thần hoặc các thuốc ổn định khí sắc. Trong vài trường hợp, bác sĩ cần dùng nhiều loại thuốc khác nhau để điều trị:
Các thuốc chỉnh khí sắc:
- Valproate: depakin 200 – 600mg/ngày
- Carbamazepine: 200 – 600mg/ngày
Thuốc chống loạn thần:
- Olanzapine: 20 – 30mg/ngày
- Chlorpromazine: 200 – 400mg/ngày
- Haloperidol: 10 – 20mg/ngày
- Risperidone: 2 – 6mg/ngày
- Amisulpride: 400 – 800mg/ngày
Đa trị liệu trong trường hợp ở mức độ nặng hoặc có biểu hiện loạn thần. Có thể phối hợp với thuốc chống loạn thần và chống co giật (Valproate, Carbamazepine).
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
Rối loạn lưỡng cực cần dự phòng tái cơn. Cần chú ý đến giờ giấc sinh hoạt, nghỉ ngơi của bệnh nhân cũng như cảm xúc, tránh để bệnh nhân bị căng thẳng.
Cần đến bác sĩ để được tư vấn và điều trị sớm khi có các biểu hiện về rối loạn giấc ngủ, tăng hoạt động, tăng nhu cầu giao tiếp, mọi cảm xúc hưng phấn hơn bình thường. Hoặc có biểu hiện buồn rầu, chán nản quá mức mà không hiểu nguyên nhân.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.