Sốt vàng
Mục lục
Sốt vàng là gì?
Tìm hiểu chung
Sốt vàng là bệnh gì?
Bệnh sốt vàng do loại siêu vi trùng Yellow Fever Virus (virus sốt vàng), thuộc họ Flavividae, giống Flavivirus gây nên. Bệnh sốt vàng da chủ yếu do muỗi Aedes nhiễm virus và truyền sang người thông qua vết đốt. Bệnh thường phát sinh vào mùa mưa, khí hậu nóng với nhiệt độ trung bình tháng trên 20 độ C, là giai đoạn phát triển mạnh của loài muỗi Aedes. Bệnh lưu hành địa phương, thường thấy ở một số vùng thuộc các quốc gia Nam Mỹ và Châu Phi.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng khi sốt vàng
Các triệu chứng ban đầu của bệnh sốt vàng da bao gồm:
- Sốt cao, khởi phát đột ngột kèm rét run;
- Đau đầu;
- Đau nhức cơ thể;
- Mặt, mắt hoặc lưỡi đỏ xung huyết;
- Buồn nôn và nôn;
- Mạch chậm;
- Mệt mỏi, suy nhược;
- Bạch cầu máu ngoại vi giảm và có vàng da nhẹ.
Theo các báo cáo thì phần lớn trường hợp bệnh cải thiện sau các triệu chứng ban đầu này. Tuy nhiên khoảng 15% trường hợp mắc bệnh sốt vàng da sau khoảng một ngày thuyên giảm, bệnh chuyển sang giai đoạn nặng có nhiễm độc biểu hiện bằng các triệu chứng: sốt tái phát, đau bụng, giảm đi tiểu, loạn nhịp tim, vàng da vừa hoặc nặng, mê sảng. Nếu tình trạng này xảy ra thì có nguy cơ xuất huyết niêm mạc (chảy máu cam, máu mũi, nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen), tổn thương nhiều cơ quan nội tạng, suy gan, suy thận, trụy tim mạch, sốc nhiễm khuẩn; thậm chí dẫn đến tử vong.
Khi nào cần gặp bác sĩ ?
Sốt vàng da là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao; ở thể nặng từ 20% đến 50%, các thể khác dưới 5%. Khi bạn mới từ vùng bị sốt vàng trở về hoặc phát hiện các dấu hiệu nêu trên thì cần đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
Nếu bạn sắp đi công tác hoặc du lịch tới khu vực có sốt vàng, bạn cần đi tiêm vắc-xin phòng bệnh; ít nhất từ 3 – 4 tuần trước khi đi. Đây là thời gian tối thiểu để vắc-xin phát huy tác dụng.
Khi đến trung tâm y tế, bác sĩ sẽ xem xét tình trạng để cho bạn lời khuyên và một số phương pháp giúp bạn tự bảo vệ sức khỏe của mình.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến sốt vàng
Nguyên nhân gây bệnh là virus sốt vàng (Yellow fever virus), họ Flaviviridae, giống Flavivirus, nhóm virus Arbo.
Virus có khả năng tồn tại và nhân lên trong tế bào của nhiều loài muỗi. Chúng truyền bệnh cho người thông qua các vết muỗi đốt. Trên thực tế, bệnh sốt vàng không lây từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp, nhưng nếu bạn dùng kim tiêm có dính máu của người bệnh thì bạn cũng sẽ bị mắc bệnh.
Khi ra khỏi cơ thể vật chủ, virus này dễ dàng bị diệt bởi hầu hết các loại hóa chất khử khuẩn thông thường và chất tẩy, xà phòng; tác động trực tiếp của nhiệt, ánh sáng mặt trời và tia tử ngoại.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc phải sốt vàng ?
Mọi người không phân biệt lứa tuổi, giới tính khi chưa có miễn dịch đều có thể nhiễm virus sốt vàng. Bệnh dễ phát triển thành dịch vào mùa mưa, khí hậu nóng do đây là điều kiện thuận lợi để phát triển của loài muỗi Aedes. Vào thời điểm dịch bùng phát, bất cứ ai cũng có thể nhiễm bệnh. Song nhóm người có nguy cơ cao hơn với bệnh là trẻ em và những người có nghề nghiệp phải thường xuyên phơi nhiễm cho muỗi tấn công, hút máu.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải sốt vàng, bao gồm:
- Đi du lịch đến vùng có dịch, đặc biệt ở khu vực Nam Mỹ và Châu Phi.
- Người có hệ miễn dịch yếu như trẻ em và người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Sống trong khu vực có điều kiện vệ sinh kém, nhiều muỗi.
- Nạn phá rừng, biến đổi khí hậu, tốc độ đô thị hóa cao cũng là yếu tố khiến sốt vàng diễn ra nhiều hơn.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh sốt vàng
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh dựa trên các triệu chứng mà bạn gặp phải, khám lâm sàng, hỏi về tiền sử tiếp xúc, những nơi bạn đã từng đến gần với thời điểm xảy ra các triệu chứng. Chẩn đoán bệnh sốt vàng có thể gặp khó khăn do thời kỳ đầu triệu chứng của bệnh tương tự như các bệnh khác như sốt rét, thương hàn, sốt xuất huyết. Để đưa ra kết luận chính xác, bác sĩ dựa vào mẫu xét nghiệm máu được lấy trong giai đoạn phát hiện bệnh để tìm virus gây sốt vàng.
Phương pháp điều trị bệnh sốt vàng hiệu quả
Bệnh sốt vàng hiện chưa có thuốc đặc trị, vì vậy việc điều trị chủ yếu là giúp bệnh nhân thuyên giảm các triệu chứng, bao gồm:
- Cung cấp đủ nước và oxy;
- Duy trì huyết áp vừa phải;
- Truyền máu;
- Tập trung chủ yếu điều trị triệu chứng như giảm sốt, giảm đau, chống xuất huyết;
- Chống suy gan, thận;
- Trợ tim mạch, chống dị ứng;
- Điều trị các bệnh nhiễm trùng khác đi kèm;
- Chỉ dùng kháng sinh khi có biểu hiện bội nhiễm vi khuẩn;
- Hạn chế tối đa các biến chứng muộn.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
Hiện nay đã có vắc-xin phòng ngừa bệnh sốt vàng. Vì vậy để bảo vệ bản thân và gia đình, bạn cần tiêm ngừa vắc-xin. Ngoài ra còn có một số biện pháp phòng ngừa dịch sốt:
- Tăng cường kiểm dịch y tế nhằm kịp thời phát hiện, xử lý, quản lý những trường hợp nghi mắc sốt vàng da.
- Tuyên truyền giáo dục và tổ chức cho cộng đồng tiến hành các biện pháp giám sát dịch bệnh thường xuyên.
- Xử lý vệ sinh môi trường, khống chế việc sinh sản và diệt muỗi trưởng thành đối với loài muỗi Aedes trong các khu vực dân cư.
- Chống muỗi đốt cho bệnh nhân; thu gom và khử khuẩn triệt để chất dịch cơ thể của bệnh nhân (máu, dịch não tủy, tinh dịch, dịch tiết khác). Thời gian theo dõi cách ly ngắn nhất trong vòng 7 ngày, thường là 14 ngày sau khi phát bệnh. Kết hợp phun hóa chất diệt muỗi trong khu vực ổ dịch, tập trung vào khu vực muỗi Aedes truyền bệnh có thể trú đậu và sinh sản.
- Khi phát hiện các triệu chứng nên đến các bệnh viện để kiểm tra và điều trị đúng bệnh.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.