Tắc mạch ối

Mục lục

Tắc mạch ối là gì?

Tắc mạch ối xảy ra khi nước ối, tế bào thai nhi, bọt khí, tóc, lông tơ hoặc các mảnh mô khác lọt vào hệ tuần hoàn của mẹ gây suy hô hấp và tuần hoàn cấp tính. Đây là một biến chứng sản khoa rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao và không thể dự phòng trước được.

Tìm hiểu chung

Tắc mạch ối là bệnh gì?

Tắc mạch ối xảy ra khi nước ối, tế bào thai nhi, bọt khí, tóc, lông tơ hoặc các mảnh mô khác lọt vào hệ tuần hoàn của mẹ gây suy hô hấp và tuần hoàn cấp tính. Đây là một biến chứng sản khoa rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao và không thể dự phòng trước được.

Khoảng 12% trường hợp tắc mạch ối xảy ra khi màng ối còn nguyên, 70% xảy ra trong chuyển dạ, 11% xảy ra sau đẻ qua đường âm đạo, 19% xảy ra trong mổ lấy thai khi đã có chuyển dạ hay khi chưa có chuyển dạ.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng khi bị tắc mạch ối

Các dấu hiệu xuất hiện đột ngột theo trình tự thời gian:

  • Khởi đầu là suy hô hấp, tím tái xảy ra đột ngột trong vài phút;
  • Tiếp đến là tụt huyết áp, phù phổi, choáng, kèm một số biểu hiện thần kinh như: lú lẫn, mất ý thức và co giật;
  • Nếu người bệnh vượt qua được giai đoạn này (khoảng 40% số trường hợp) sẽ có biểu hiện chảy máu dữ dội nhiều nơi do đờ tử cung (nếu sau đẻ) và do đông máu rải rác trong lòng mạch. Số người có biểu hiện phù phổi ở giai đoạn này cũng cao;
  • Trên 80% người bệnh có biểu hiện ngừng tim, ngừng thở trong vài phút đầu tiên;
  • 50% trường hợp tử vong ngay trong giờ đầu xuất hiện triệu chứng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ biểu hiện khác thường nào như khó thở, hạ huyết áp, da xanh tái, phù phổi… cần đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán cấp cứu sớm và tránh các biến chứng:

  • Gây tử vong cho cả mẹ và con.
  • Hậu quả về tinh thần và vận động cho mẹ và con do thiếu oxy não.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến tắc mạch ối

Bình thường, nước ối nằm trong buồng ối, không đi vào tuần hoàn của người mẹ. Nhưng khi hàng rào ngăn cách giữa khoang ối và tuần hoàn của người mẹ bị phá vỡ, nước ối sẽ đi vào hệ thống tĩnh mạch của người mẹ (xoang tĩnh mạch tử cung) một cách bất thường qua các tĩnh mạch ống cổ tử cung, qua vị trí nhau bám (nếu đã bong nhau), qua nội mạc tử cung hay qua nơi tử cung bị chấn thương.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc bệnh tắc mạnh ối?

Bệnh tuy hiếm gặp nhưng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả mẹ và thai nhi, cần đề phòng các yếu tố gây bệnh như:

  • Sản phụ trên 35 tuổi, con rạ có nguy cơ cao hơn con so.
  • Mổ lấy thai, đẻ có can thiệp thủ thuật Forcep, giác hút, chọc ối.
  • Đa ối, đa thai, nhau tiền đạo, nhau bong non, sản giật…
  • Tổn thương tử cung hoặc cổ tử cung.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp dùng để xét nghiệm và chẩn đoán tắc mạnh ối

Các dấu hiệu lâm sàng đã kể trên (khó thở, tụt huyết áp, da xanh tái, phù phổi,..) và các xét nghiệm cận lâm sàng: đo điện tim, đông máu toàn bộ,… giúp hướng đến chẩn đoán tắc mạch ối chứ không thể xác định bệnh chắc chắn.

Cho đến nay, việc chẩn đoán xác định tắc mạch ối là phải giải phẫu tử thi, tìm thấy các thành phần thai nhi như da, lông tóc, chấy gây, phân su… của  dịch ối hiện diện trong tuần hoàn phổi mẹ.

Tiêu chuẩn chẩn đoán:

  • Hạ huyết áp và ngừng tim đột ngột.
  • Hạ oxy huyết cấp, ngưng thở, ngưng hô hấp.
  • Bệnh lý đông máu xảy ra đột ngột, xét nghiệm cho thấy bằng chứng tiêu thụ nội mạch hoặc tán huyết hoặc xuất huyết lâm sàng trầm trọng
  • Xảy ra trong quá trình nong nạo, chuyển dạ, mổ lấy thai hoặc trong vòng 30 phút đầu sau sinh.
  • Không có bất kỳ bệnh lý nội khoa như tim mạch, hô hấp, bệnh về máu… nào trước đó.

Phương pháp điều trị tắc mạnh ối hiệu quả

Bệnh nhân sẽ được điều trị hỗ trợ là chính, không có phương pháp điều trị đặc hiệu.

  • Hồi sinh tim phổi. Duy trì cung cấp oxy cho sản phụ (đặt nội khí quản, thở máy).
  • Hồi sức nếu ngừng tim.
  • Theo dõi bằng monitor.
  • Điều trị rối loạn đông máu.
  • Phẫu thuật lấy thai càng sớm càng tốt.

Bệnh là tai biến hay xảy ra đột ngột và tiến triển nhanh nên hầu hết bệnh nhân đều tử vong và thai nhi không được cứu kịp.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tắc mạnh ối

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Bệnh là một loại cấp cứu sản khoa không thể dự báo trước, không thể dự phòng và hầu như không thể cấp cứu kịp. Bệnh gây ảnh hưởng nặng nề đến cả nhân viên y tế và gia đình sản phụ. Sản phụ có thể lưu ý một số yếu tố sau đây khi chuyển dạ:

  • Tránh vỡ ối đột ngột: Bấm ối chủ động, tia ối trong những trường hợp thấy áp lực buồng ối căng như đa ối, cơn co tử cung cường tính. Bấm ối ngoài cơn co tử cung (cuối cơn co).
  • Sau vỡ ối đột ngột: Không thay đổi tư thế đột ngột, có thể nằm đầu cao.
  • Tránh sinh nhanh, thao tác nhẹ nhàng.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan