Ung thư dạ dày

Mục lục

Ung thư dạ dày là gì?

Ung thư dạ dày là tình trạng trong dạ dày xuất hiện khối u ác tính, gây cản trở đến chức năng tiêu hóa của dạ dày và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Ung thư dạ dày hiện là loại ung thư phổ biến của đường tiêu hóa.

Tìm hiểu chung

Ung thư dạ dày là gì?

Ung thư dạ dày là tình trạng trong dạ dày xuất hiện khối u ác tính, gây cản trở đến chức năng tiêu hóa của dạ dày và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Ung thư dạ dày hiện là loại ung thư phổ biến của đường tiêu hóa.

Ung thư dạ dày được phân loại dựa vào các tế bào hình thành khối u như:

  • Ung thư bắt đầu trong các tế bào tuyến (Adenocarcinoma): Chiếm khoảng 90% các loại ung thư dạ dày.
  • Ung thư bắt đầu trong tế bào thuộc hệ thống miễn dịch (Lymphoma) hay còn gọi là ung thư hạch rất hiếm gặp, đó là khi dạ dày có chứa một lượng nhỏ các tế bào miễn dịch, các tế bào này có thể chuyển ác tính gây ung thư.
  • Ung thư bắt đầu trong các tế bào sản xuất nội tiết tố (Carcinoid): Gặp khoảng 0,3%.
  • Ung thư bắt đầu trong các tế bào hệ thống thần kinh (GIST): Các tế bào ác tính có nguồn gốc từ mô thần kinh. Thể này rất hiếm gặp trên lâm sàng.
  • Ung thư bắt nguồn từ cơ trơn: Chiếm 1% – 3% , là loại ung thư ác tính bắt nguồn từ cơ. Tổn thương ở thân dạ dày, gây loét và chảy máu. Nó hiếm khi xâm nhập vào các tạng lân cận và không di căn hạch nhưng có thể lan đến gan và phổi.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư dạ dày

Bệnh ung thư dạ dày là bệnh khá phổ biến hiện nay nhưng lại khó phát hiện ở những giai đoạn đầu. Một số dấu hiệu bệnh như sau:

  • Đau vùng thượng vị không điển hình, không có chu kỳ;
  • Đầy bụng, chán ăn, rối loạn tiêu hóa;
  • Đi ngoài phân đen;
  • Suy nhược toàn thân, gầy sút nhanh;
  • Buồn nôn và nôn;
  • Nôn ra máu hoặc đại tiện ra máu.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bệnh ung thư dạ dày là bệnh phổ biến, nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt, làm việc và dẫn đến tỷ lệ tử vong cao ở người bệnh. Do đó, hãy theo dõi tình trạng sức khỏe của hệ tiêu hóa, khi có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến ung thư dạ dày

Bệnh ung thư dạ dày do nhiễm khuẩn Helicobacter pylori gây ra. Nguyên nhân này chiếm 65 – 80% ca ung thư dạ dày. Một số nguyên nhân khác như:

  • Yếu tố di truyền: Nếu trong gia đình có người từng bị ung thư dạ dày thì tỉ lệ mắc bệnh ở con cháu lên gấp 4 lần so với người khác.
  • Có tiền sử bị viêm dạ dày thể teo. Nguy cơ mắc bệnh là 6 – 12%.
  • Chế độ ăn không khoa học: Ăn nhiều thực phẩm dầu mỡ, hun khói.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc ung thư dạ dày?

Bệnh ung thư dạ dày khá phổ biến, có thể mắc bệnh ở bất cứ lứa tuổi, giới tính nào.

Bệnh chỉ nguy hiểm sau ung thư phổi ở nam giới và sau ung thư vú ở nữ giới.

Đàn ông có ngu cơ mắc bệnh nhiều hơn phụ nữ.

Yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, bao gồm:

  • Chế độ ăn uống không hợp lý, ăn nhiều muối, thức ăn hun khói, dầu mỡ; ít chất xơ, trái cây hay rau.
  • Bị nhiễm khuẩn H.pylori, một loại vi khuẩn sống trong niêm mạc nhầy của dạ dày.
  • Có tiền sử mắc bệnh như viêm dạ dày mãn tính, viêm teo cơ dạ dày, dị sản ruột.
  • Mắc bệnh thiếu máu ác tính.
  • Thói quen sinh hoạt xấu, sử dụng bia rượu, thuốc lá.
  • Gia đình có người thân mắc bệnh.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư dạ dày

Bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng, khám lâm sàng và đề nghị bạn tiến hành các xét nghiệm để kiểm tra bạn có mắc ung thư dạ dày hay không. Xét nghiệm bao gồm:

  • Chụp X-quang: Nhằm phát hiện những tổn thương ở dạ dày qua kết quả phim chụp như: viêm loét dạ dày, ung thư, những rối loạn về cơ năng, co bóp, lưu thông của dạ dày và dấu hiệu chèn ép từ bên ngoài của các tạng lân cận vào dạ dày.
  • Nội soi dạ dày: Chẩn đoán chính xác vị trí tổn thương, thể bệnh như: sùi, loét, thâm nhiễm.
  • Siêu âm ổ bụng để tìm di căn và đánh giá tình trạng bệnh.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) để tìm di căn gan, phúc mạch, hạch cạnh động mạch chủ.
  • Các xét nghiệm khác như: xét nghiệm máu, xét nghiệm hóa sinh, X-quang phổi.

Phương pháp điều trị ung thư dạ dày hiệu quả

Từ những kết quả xét nghiệm, bác sĩ xác định được giai đoạn ung thư dạ dày của bạn từ đó sẽ có những phương án điều trị phù hợp. Có 3 phương án điều trị như:

  • Phẫu thuật: Phương pháp điều trị triệt để và kịp thời nhằm loại bỏ khối ung thư. Tùy vào tình trạng sức khỏe người bệnh mà bác sĩ sẽ đề nghị cắt dạ dày bán phần kèm theo nạo vét hạch tại chỗ hoặc cắt dạ dày toàn bộ với nạo vét hạch; đôi khi kèm theo cắt lách, cắt đuôi tụy, cắt đoạn đại tràng ngang hoặc cắt dạ dày theo khối u.
  • Xạ trị: Phương pháp rất hạn chế, sử dụng tia X để hạn chế sự phát triển của khối u.
  • Hóa trị: Phương pháp chính khi ung thư đã có di căn xa mà phẫu thuật chỉ được coi là điều trị triệu chứng. Hóa chất cũng có thể dùng cho chuẩn bị mổ và củng cố kết quả phẫu thuật.

Bên cạnh những phương pháp điều trị trên, người bệnh còn chỉ định dùng thuốc và các phương pháp chăm sóc, chế độ dinh dưỡng hợp lý. Tùy vào thể trạng bệnh nhân và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư dạ dày

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả

Bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa bệnh ung thư dạ dày bằng cách tự trang bị cho mình một lối sống lành mạnh, khoa học.  Bạn nên:

  • Loại bỏ vi khuẩn H.pylori với các loại kháng thể, kháng sinh, chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý.
  • Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý: thường xuyên ăn rau xanh, ăn nhạt; hạn chế đồ nướng và các thực phẩm đóng hộp, lên men.
  • Thường xuyên tập thể dục, nâng cao sức đề kháng.
  • Tránh sử dụng hút thuốc lá, uống rượu, làm việc quá sức, stress.
  • Điều trị triệt để các bệnh lý về dạ dày có thể dẫn đến biến chứng ung thư dạ dày: viêm dạ dày, loét dạ dày…

Ung thư là căn bệnh nguy hiểm nhưng không có nghĩa là bệnh không thể điều trị được. Điều quan trọng nhất trong việc chống lại ung thư chính là người bệnh cần có thái độ lạc quan và kiên trì điều trị bệnh. Thực tế cho thấy, những người có thái độ sống tích cực kết hợp với phương pháp điều trị hợp lý đã kéo dài được tuổi thọ và chống lại được căn bệnh ung thư.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan