Ung thư hạ họng

Mục lục

Ung thư hạ họng là gì?

Tình trạng xuất hiện khối u ở vùng hạ họng (tiêu biểu là xoang lê) thuộc biểu mô đường tiêu hóa, lan nhanh vào thanh quản được gọi là ung thư hạ họng. Đây là bệnh ung thư khá phổ biến gây nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và làm việc, nguy hiểm nhất là ảnh hưởng lớn đến tính mạng.

Tìm hiểu chung

Ung thư hạ họng là gì?

Tình trạng xuất hiện khối u ở vùng hạ họng (tiêu biểu là xoang lê) thuộc biểu mô đường tiêu hóa, lan nhanh vào thanh quản được gọi là ung thư hạ họng.

Đây là bệnh ung thư khá phổ biến, gặp nhiều hơn ung thư thanh quản nhưng lại khó điều trị hơn do các triệu chứng của bệnh thường kín đáo. Những người phát hiện bị ung thư hạ họng đa phần đã bước vào giai đoạn muộn. Ung thư hạ họng gây nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và làm việc, nguy hiểm nhất là ảnh hưởng lớn đến tính mạng.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư hạ họng

Khi mắc bệnh ung thư hạ họng, bệnh nhân có thể xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng sau đây:

  • Khi nuốt thì xuất hiện các cơn đau và mức độ đau ngày một tăng dần, ban đầu chỉ là cảm giác có vật vướng ở họng nhưng sau đó là các cơn đau nặng nề hơn.
  • Khó thở và khàn tiếng.
  • Vùng xoang lê ứ đọng nước bọt và xuất hiện vết loét.
  • Xuất hiện hạch và hạch này ngày càng to dần lên, cứng và cố định tại một vị trí nhất định.
  • Ăn uống khó khăn, gây sụt cân nhanh chóng.

Ở một số bệnh nhân còn xuất hiện các dấu hiệu, triệu chứng khác nữa nhưng do không phổ biến nên không được đề cập.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nhận thấy sự xuất hiện của bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng trên thì hãy đến ngay bệnh viện lớn để thăm khám, xét nghiệm và được chẩn đoán điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa.

Tuyệt đối không được thờ ơ với bất kỳ điều gì bất thường xảy ra với cơ thể, vì như thế bệnh tiến triển nhanh hơn, đến lúc phát hiện thì khó điều trị và gặp phải không ít biến chứng nặng nề.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến ung thư hạ họng

Theo các cuộc nghiên cứu điều tra bệnh ung thư hạ họng thì các nguyên nhân dưới đây có thể gây ra bệnh này, cụ thể là các nguyên nhân:

  • Nghiện hút thuốc lá: Cũng giống như các bệnh ung thư về đường hô hấp khác, số điếu thuốc được hút trong ngày càng nhiều, thời gian hút càng lâu năm thì nguy cơ mắc bệnh ung thư hạ họng càng cao.
  • Nghiện rượu, bia: Gây ra các kích thích tồi tệ lên niêm mạc họng, thanh quản; tình trạng viêm nhiễm kéo dài lâu ngày hình thành khối u ung thư.
  • Có tiền sử mắc các bệnh về đường hô hấp.
  • Vệ sinh răng miệng kém: Tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn trong khoang miệng phát triển, gây ra nhiều bệnh lý ở các cơ quan thông nhau, trong đó có hạ họng.
  • Sống trong môi trường ô nhiễm, chứa nhiều bụi, khí thải và hóa chất.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc ung thư hạ họng?

Ở Việt Nam, ung thư hạ họng khá phổ biến và đứng thứ hai chỉ sau ung thư vòm họng, chiếm khoảng 20% trong các ung thư đường hô hấp – tiêu hóa.

Bệnh ung thư này đang có xu hướng trẻ hóa độ tuổi người mắc bệnh, thường chiếm tỉ lệ cao là người trong độ tuổi 45 tuổi đến 65 tuổi, và tỉ lệ nam giới mắc bệnh gấp 5 lần nữ giới.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư hạ họng

Có nhiều yếu tố càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư hạ họng, điển hình là:

  • Nghiện hút thuốc lá.
  • Suy giảm hệ thống miễn dịch cơ thể.
  • Tiền sử mắc các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là các bệnh ung thư.
  • Do gen di truyền.
  • Tiếp xúc hoặc làm việc trong môi trường chứa nhiều chất độc, khí độc.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư hạ họng

Bác sĩ chẩn đoán ung thư hạ họng bằng việc xem xét các triệu chứng của bệnh nhân, hỏi về tiền sử bệnh lý, khám lâm sàng và thực hiện thêm một số xét nghiệm như xét nghiệm máu, nội soi, chụp X-quang để nhìn thấy những tổn thương ở họng cũng như diễn tiến của bệnh.

Sau khi có đầy đủ các kết quả, bác sĩ đưa ra các chẩn đoán và giải pháp điều trị phù hợp nhất với cơ địa sức khỏe, tình trạng bệnh của từng bệnh nhân.

Phương pháp điều trị ung thư hạ họng hiệu quả

Các phương pháp phổ biến được dùng để điều trị ung thư hạ họng, đó là:

  • Miễn dịch trị liệu: Mục đích chính là kích thích tăng sức đề kháng cho cơ thể bệnh nhân.
  • Tia xạ: Sử dụng sau khi đã phẫu thuật cắt bỏ khối u, phương pháp này dùng để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại.
  • Hóa trị liệu.
  • Phẫu thuật là phương pháp phổ biến nhất, được chia làm hai trường hợp:
    • Đối với khối u: Cắt bỏ khối u và các vùng mô liên quan, nếu khối u đã di căn đến thanh quản thì buộc phải cắt bỏ thanh quản kèm theo hàng loạt cuộc phẫu thuật tái tạo lại.
    • Đối với hạch cổ: Phẫu thuật để nạo vét hạch cổ và loại bỏ khối u, sau đó là xạ trị.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư hạ họng

  • Bỏ hút thuốc lá, uống rượu bia, các chất kích thích.
  • Tránh xa các nguồn nguy hại, tăng cường bảo hộ lao động.
  • Tăng cường thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe, xây dựng hệ miễn dịch cơ thể.
  • Có chế độ ăn uống dinh dưỡng lành mạnh theo lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng và các bác sĩ chuyên khoa điều trị.
  • Có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng đầu óc.
  • Liên hệ ngay với các bác sĩ hoặc đến bệnh viện lớn gần nhất nếu có bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng bất thường nào xảy ra.

 

Ung thư là căn bệnh nguy hiểm nhưng không có nghĩa là bệnh không thể điều trị được. Điều quan trọng nhất trong việc chống lại ung thư chính là người bệnh cần có thái độ lạc quan và kiên trì điều trị bệnh. Thực tế cho thấy, những người có thái độ sống tích cực kết hợp với phương pháp điều trị hợp lý đã kéo dài được tuổi thọ và chống lại được căn bệnh ung thư.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan