Ung thư trực tràng

Mục lục

Ung thư trực tràng là gì?

Ung thư ruột (hay ung thư đại trực tràng) là tên gọi chung của ung thư ruột kết và ung thư trực tràng, tức là ung thư phát triển từ ruột kết hay trực tràng (những phần của ruột già), gây nên bởi sự phát triển bất thường của các tế bào có khả năng xâm lấn hoặc lan rộng ra các bộ phận khác của cơ thể. Trong hầu hết các trường hợp, ung thư trực tràng khởi phát từ một polyp phát triển thành ung thư.

Tìm hiểu chung

Ung thư trực tràng là gì?

Ung thư ruột (hay ung thư đại trực tràng) là tên gọi chung của ung thư ruột kết và ung thư trực tràng, tức là ung thư phát triển từ ruột kết hay trực tràng (những phần của ruột già), gây nên bởi sự phát triển bất thường của các tế bào có khả năng xâm lấn hoặc lan rộng ra các bộ phận khác của cơ thể. Trong hầu hết các trường hợp, ung thư trực tràng khởi phát từ một polyp phát triển thành ung thư.

Đây là bệnh lý hay gặp trong ung thư đường tiêu hóa, đứng hàng thứ hai sau ung thư dạ dày và chiếm 1.4 % trong tổng số ung thư. Ung thư trực tràng là loại ung thư phổ biến trên thế giới, gây tử vong cao, chỉ đứng sau ung thư dạ dày, phổi, gan. Bệnh tiến triển tương đối chậm, di căn muộn nếu phát hiện sớm, nếu điều trị triệt để tỉ lệ sống trên 5 năm là 60 – 80 %.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư trực tràng

Ung thư trực tràng trải qua 5 giai đoạn:

  • Giai đoạn 0: Ung thư ở giai đoạn rất sớm, chỉ mới xuất hiện ở lớp niêm mạc trên cùng của đại tràng hoặc trực tràng.
  • Giai đoạn I: Ung thư lan rộng ra thành trong của đại tràng hoặc trực tràng.
  • Giai đoạn II: Ung thư đã lan ra bên ngoài đại tràng hoặc trực tràng tới các mô lân cận, nhưng chưa tới hạch.
  • Giai đoạn III: Ung thư đã lan sang các hạch lân cận, nhưng chưa tới các bộ phận khác của cơ thể.
  • Giai đoạn IV: Ung thư đã lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Ung thư đại-trực tràng có xu hướng lan tới gan hoặc phổi.

Đặc biệt, ở giai đoạn sớm bệnh thường không có biểu hiện cụ thể, chỉ về sau mới có các triệu chứng rõ ràng như đi ngoài ra máu, phân lỏng, phân lẫn máu như máu cá, đau bụng… Ở giai đoạn muộn, các triệu chứng này còn đi kèm với các biểu hiện như chán ăn, mệt mỏi, sút cân…

Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của ung thư đại trực tràng:

  • Thay đổi thói quen đại tiện.
  • Tiêu chảy, hay có cảm giác đi ngoài không hết.
  • Đi ngoài ra máu đỏ tươi hoặc đen sẫm.
  • Phân có khẩu kính hẹp hơn bình thường.
  • Cảm thấy khó chịu khắp bụng (thường bị đau bụng vì chướng hơi, đầy bụng hoặc co thắt).
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân.
  • Thường xuyên mệt mỏi.
  • Nôn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi cơ thể phát hiện các biểu hiện bất thường bao gồm: đi ngoài ra máu, đi ngoài phân táo xen kẽ với đi lỏng từng đợt, đau quặn, mót rặn, cảm giác tức nặng hậu môn… thì bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và tư vấn sớm. Nếu để lâu bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng như:

  • Tắc nghẽn đường ruột: Do khối u không ngừng phát triển to lên khiến đường ruột nhỏ hẹp, cản trở việc tiêu hóa, gây ra tắc nghẽn cơ học.
  • Thủng đường ruột: thường có biểu hiện điển hình là đau bụng cấp tính, cứng cơ bụng, ấn bị đau.
  • Xuất huyết: đại tiện ra máu một hoặc nhiều lần trong thời gian ngắn, ra nhiều máu, dẫn đến nhịp tim tăng lên, thậm chí sốc, nguy hiểm đến tính mạng.
  • Tắc nghẽn do khối u: Khối u không ngừng phát triển, khi to gây hẹp đường ruột, dẫn đến sưng ruột, nhiễm trùng hoặc nhiễm độc máu

Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm thiểu nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Mỗi người một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến chuyên gia để có phương án điều trị thích hợp. Việc tự điều trị mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa có thể dẫn đến những tổn thương nguy hiểm khác.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến ung thư trực tràng

  • Phần lớn ung thư trực tràng do xuất phát từ polyp, nhất là bệnh polyp gia đình.
  • Ung thư cũng có thể xuất phát từ u lành tính, u nhú.
  • Các bệnh nhiễm trùng của trực tràng.
  • Chế độ ăn uống như ăn nhiều thịt, nhiều mỡ, ít chất xơ sẽ gây táo bón, ứ đọng phân, niêm mạc trực tràng thường xuyên tiếp xúc với các chất ung thư như nitrosamine, indol, scatol … đều tạo điều kiện cho ung thư trực tràng phát triển.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ bị ung thư trực tràng?

  • Giới tính: Nam giới gặp nhiều hơn nữ giới, tỷ lệ là 3/2.
  • Độ tuổi: Đây là bệnh của tuổi trung niên và người già, thường gặp nhất ở khoảng độ 30-60 tuổi, dưới 20 tuổi chỉ chiếm khoảng 3%.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:

  • Người bị viêm loét đại tràng lâu ngày hoặc có chế độ ăn uống hàng ngày chứa nhiều chất béo và ít chất xơ.
  • Ngoài ra, những người có tiền sử gia đình (bố mẹ hoặc anh, em ruột) bị ung thư đại trực tràng thì có nguy cơ mắc phải bệnh cao gấp 2 – 3 lần người bình thường.
  • Hút thuốc lá và uống rượu làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng. Càng dễ bị ung thư đại tràng hơn nếu vừa hút thuốc lá lại uống rượu bia quá nhiều.

Điều trị hiệu quả

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư trực tràng

Bác sĩ sẽ tiến hành hỏi bệnh sử và khám thực thể.

Kết quả chẩn đoán dựa vào khám trực tràng, soi trực tràng và nhất là kết quả sinh thiết.

Khám trực tràng: Sờ thấy u cứng, bờ nham nhở, lòng trực tràng bị chít hẹp, dễ chảy máu.

Soi trực tràng:

  • Phát hiện các khối u ở trên cao, tay không sờ tới được.
  • Đánh giá đúng khoảng cách khối u tới cơ thắt hậu môn để chọn phương pháp mổ thích hợp.
  • Lấy tổ chức làm sinh thiết cho một chẩn đoán chắc chắn.

X-quang cũng có thể được chỉ định. Khi chụp đại tràng có cản quang thấy hình khối khuyết hay chít hẹp, bờ nham nhở, ngoài ra cho biết vị trí khối u, tình trạng đại tràng phía trên u.

Phương pháp điều trị ung thư trực tràng hiệu quả

Các phương pháp điều trị ung thư trực tràng bao gồm điều trị bằng hóa chất, tia xạ và phẫu thuật. Tuy nhiên điều trị bằng phẫu thuật là chủ yếu. Bác sĩ sẽ tùy theo bệnh nhân (tình trạng, giai đoạn bệnh) mà chỉ định phương pháp điều trị triệt để hay tạm thời.

Điều trị triệt để:

Khối u bờ dưới cách cơ thắt hậu môn lớn hơn 10cm cắt bỏ trực tràng + khối u, mối đại tràng với trực tràng còn lại.

Bờ dưới khối u cách cơ thắt hậu môn nhỏ hơn 10cm có hai cách:

  • Hoặc cắt bỏ trực tràng và cơ thắt. Làm hậu môn nhân tạo vĩnh viễn ở đại tràng Sigma. (phương pháp Quenu – Miles).
  • Hoặc chọn một trong hai phương pháp sau tùy vị trí khối u.

Bờ dưới khối u cách cơ thắt 7 – 10cm cắt bỏ trực tràng + khối u, nối đại tràng Sigma với cơ vòng hậu môn đã bóc hết niêm mạc (phương pháp Babcock – Bacon).

Bờ dưới khối u cách cơ thắt hậu môn nhỏ hơn 7cm thì áp dụng phẫu thuật Quenu – Miles.

Điều trị tạm thời:

Khi ung thư đến muộn, bệnh nhân quá yếu và khối u đã di căn tới các cơ quan lân cận hoặc di căn xa.

  • Làm hậu môn nhân tạo trên khối u.
  • Điều trị tia xạ chủ yếu với ung thư biểu mô.

Tùy vào thể trạng và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.


Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư trực tràng

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh có dấu hiệu tái phát.
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ dinh dưỡng phù hợp trong giai đoạn này sẽ giúp bệnh nhân cải thiện chất lượng sống, tránh khỏi suy mòn sớm.

  • Đảm bảo chế độ ăn đủ năng lượng, đạm, nước và các chất.
  • Lựa chọn thức ăn không làm nặng hơn triệu chứng hiện có.
  • Vận động thể lực, kiểm soát cân nặng chuẩn ngay cả khi đang điều trị.
  • Thực phẩm chế biến sẵn, đồ hộp, đồ uống có gas, có cồn nên tuyệt đối tránh xa.
  • Nên chuẩn bị nhiều bữa ăn nhỏ hàng ngày (6 – 8 bữa/ngày) dưới dạng lỏng như cháo, súp giúp người bệnh dễ ăn, dễ tiêu hóa.

Những phương pháp phòng bệnh hiệu quả

  • Có chế độ ăn nhiều hoa quả, rau và ngũ cốc nguyên chất. Các thực phẩm này chứa nhiều chất xơ, có thể làm giảm 40% nguy cơ polyp đại tràng.
  • Hạn chế mỡ, nhất là chất béo no, bổ sung hàm lượng vitamin D và acid Folic…
  • Hạn chế rượu bia, bỏ thuốc lá.
  • Tập thể dục thể thao và duy trì cân nặng khỏe mạnh.

 

Ung thư là căn bệnh nguy hiểm nhưng không có nghĩa là bệnh không thể điều trị được. Điều quan trọng nhất trong việc chống lại ung thư chính là người bệnh cần có thái độ lạc quan và kiên trì điều trị bệnh. Thực tế cho thấy, những người có thái độ sống tích cực kết hợp với phương pháp điều trị hợp lý đã kéo dài được tuổi thọ và chống lại được căn bệnh ung thư.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Các bệnh liên quan