Viêm màng não do vi khuẩn
Mục lục
Viêm màng não do vi khuẩn là gì?
Tìm hiểu chung
Viêm màng não do vi khuẩn là gì?
Viêm màng não do vi khuẩn hay còn gọi là viêm màng não mủ là tình trạng do một nhóm vi khuẩn gây ra, các vi khuẩn này có khả năng tạo mủ trong màng não. Có rất nhiều loại vi khuẩn có thể gây viêm màng não nên bệnh được chia thành viêm màng não do vi khuẩn tiên phát và thứ phát.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm màng não do vi khuẩn
Bệnh viêm màng não do vi khuẩn có thời gian ủ bệnh từ vài giờ đến vài ngày. Khi người bệnh nhiễm các vi khuẩn này thường có các triệu chứng:
- Sốt là biểu hiện thường gặp nhất, sốt cao và diễn ra liên tục;
- Đau đầu dữ dội;
- Buồn nôn và nôn;
- Cứng gáy;
- Sợ ánh sáng;
- Rối loạn thần kinh;
- Chán ăn;
- Rối loạn tiêu hóa;
- Ho và chảy nước mũi.
Bệnh viêm màng não do vi khuẩn có thể có nhiều biểu hiện khác nhau chưa được liệt kê tại đây.
Biến chứng có thể gặp khi bị viêm màng não do vi khuẩn
- Tổn thương dây thần kinh sọ não như dây II, III, IV, VI, VII, VIII…
- Áp-xe não, áp-xe dưới màng cứng, ổ tụ mủ dọc huyết quản, viêm tắc tĩnh mạch, viêm quanh mạch máu não…
- Tắc nghẽn dịch não tuỷ và dày dính màng não gây cản trở lưu thông dịch não tuỷ, hội chứng não nước.
- Các biến chứng ngoài hệ thần kinh, tuỳ theo căn nguyên vi khuẩn gây ra như: sốc độc tố, xuất huyết phủ tạng (gặp trong nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não do màng não cầu), viêm khớp, viêm nội tâm mạc, viêm ngoại tâm mạc, viêm thận, viêm phổi…
Tác động của viêm màng não do vi khuẩn đối với sức khỏe
Trong trường hợp bệnh nặng, nếu có điều trị hoặc điều trị muộn vẫn có khả năng để lại di chứng sau bệnh như:
- Lác, điếc, câm, mù, hội chứng não nước…
- Tổn thương thần kinh khu trú gây liệt (liệt một chi, liệt nửa người, liệt hai chi dưới, tổn thương dây thần kinh sọ não…).
- Sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần…
- Động kinh.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bệnh có thể để lại những tổn thương vĩnh viễn khi không được phát hiện và điều trị sớm hoặc nghiêm trọng hơn là dẫn đến tử vong. Vì vậy, nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến viêm màng não do vi khuẩn
Bệnh viêm màng não do một nhóm các vi khuẩn gây ra, chúng tạo mủ gây viêm màng bao quanh não và tủy sống. Tùy theo đường xâm nhập của vi khuẩn vào màng não mà người ta chia thành viêm màng não do vi khuẩn nguyên phát và viêm màng não do vi khuẩn thứ phát.
Viêm màng não do vi khuẩn nguyên phát:
Các virus xâm nhập trực tiếp vào màng não qua xương sàng: do khuẩn não mô cầu hoặc H.influenzae gây ra.
Viêm màng não do vi khuẩn thứ phát:
- Vi khuẩn xâm nhập từ các ổ viêm gần màng não, màng tủy (ổ viêm tai, viêm xương chũm, viêm xương sọ, viêm xoang, viêm hốc mắt, viêm cơ dọc theo cột sống) sau đó xâm nhập vào màng não qua tiếp cận hoặc qua đường bạch huyết. Các mầm bệnh thường là H.influenzae, Phế cầu, Tụ cầu, Liên cầu…
- Vi khuẩn từ một ổ viêm xa màng não (ổ đinh râu, viêm phổi, viêm nội tâm mạc, nhiễm khuẩn tử cung, nhiễm khuẩn ruột, nhiễm khuẩn tiết niệu…) và xâm nhập lên màng não bằng cách gây nhiễm khuẩn huyết, sau đó theo mạch máu lên màng não. Các mầm bệnh thường là phế cầu, H.influenzae, Tụ cầu, Liên cầu, Trực khuẩn mủ xanh, E.coli, Salmonella…
- Vi khuẩn xuất phát từ các vết thương bị nhiễm trùng hoặc trong quá trình phẫu thuật, chọc ống sống gây nhiễm khuẩn. Mầm bệnh thường là: Tụ cầu, Liên cầu, Trực khuẩn mủ xanh…
Cũng như tùy theo căn nguyên vi khuẩn mà người ta cũng chia viêm màng não do vi khuẩn theo các góc độ.
- Phân loại theo mức độ phổ biến.
- Phân loại theo lứa tuổi.
- Phân loại theo căn nguyên cơ địa.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc phải viêm màng não do vi khuẩn?
Bệnh không phân biệt lứa tuổi, giới tính, hay vùng miền, bất cứ ai cũng có khả năng mắc phải, những người có các ổ viêm trong người có khả năng mắc bệnh cao hơn. Bệnh lây trực tiếp từ người bệnh qua người lành bằng con đường hô hấp.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm màng não do vi khuẩn, bao gồm:
- Có vết thương bị nhiễm trùng.
- Tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.
- Nghiện rượu.
- Viêm tai giữa.
- Giảm sức đề kháng miễn dịch.
- Sau mổ cắt lách.
- Sau chấn thương, vết thương sọ não.
- Sau phẫu thuật thần kinh.
- Có bệnh van hai lá.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm màng não do vi khuẩn
Bác sĩ có thể dựa vào các biểu hiện lâm sàng để chẩn đoán nhưng để đưa ra kết quả chính xác nhất thì bệnh nhân sẽ được là các xét nghiệm sau:
- Chụp hình não thấy có biểu hiện tăng áp lực sọ.
- Xét nghiệm máu thường có bạch cầu tăng, bạch cầu đa nhân (neutrophil) tăng…
- Xét nghiệm dịch não tủy: Dịch não tuỷ điển hình của viêm màng não do vi khuẩn thương bị đục do mủ ở nhiều mức độ khác nhau.
Phương pháp điều trị viêm màng não do vi khuẩn hiệu quả
Bệnh kết hợp điều trị bằng kháng sinh và điều trị triệu chứng kết hợp.
Điều trị đặc hiệu với kháng sinh, các nguyên tắc cần lưu ý:
- Khi có chẩn đoán cần điều trị kháng sinh sớm.
- Chọn kháng sinh theo mầm bệnh và theo kháng sinh đồ. Khi chưa có kết quả chính xác về loại vi khuẩn gây bệnh thì tốt nhất nên chọn loại kháng sinh có phổ tác dụng rộng, dễ ngấm vào màng não.
- Không nên cho người bệnh dùng kháng sinh bằng đường uống trực tiếp, tốt nhất nên truyền theo đường tĩnh mạch.
- Tùy vào thể trạng bệnh nhân, mức độ nghiêm trọng của bệnh, tình hình kháng thuốc của vi khuẩn mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp. Không có phác đồ điều trị đồng nhất.
Điều trị triệu chứng kết hợp:
Khi người bệnh bị viêm màng não do vi khuẩn, các triệu chứng của bệnh cũng cần phải được theo dõi và điều trị kết hợp.
- Chống viêm
- Chống phù não cho bệnh hôn mê
- Chống sốc và trụy tim mạch bằng truyền dịch, ouabain.
- Chống suy hô hấp bằng máy thở
- Khi sốt cao có thể dùng thuốc hạ sốt hoặc chườm khăn mát.
- An thần và chống co giật, cắt cơn co giật.
- Chú ý chế độ dinh dưỡng cho người bệnh.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm màng não do vi khuẩn
Hiện nay, một số vi khuẩn đã có vắc xin phòng ngừa. Do đó, để phòng ngừa bệnh hiệu quả là tiêm vắc xin cho trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người chưa có hệ miễn dịch. Ngoài ra, còn có một số biện pháp phòng ngừa như:
- Không tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.
- Cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất khi có các triệu chứng trên.
- Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ.
- Giữ các vết thương được sạch sẽ.
- Không sử dụng các chất kích thích.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.