Viêm màng phổi
Mục lục
Viêm màng phổi là gì?
Tìm hiểu chung
Viêm màng phổi là gì?
Viêm màng phổi là tình trạng xuất hiện viêm ở màng phổi. Bệnh gây ra cơn đau ngực và tăng lên khi bạn hít thở.
Viêm màng phổi thường được phân thành 2 loại: viêm màng phổi nguyên phát và viêm màng phổi thứ phát.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm màng phổi
Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm màng phổi bao gồm:
- Đau ngực – cơn đau thường xuất hiện ở phía trước hoặc phía sau của lồng ngực, đau nặng hơn khi bạn thở, ho hoặc hắt hơi;
- Khó thở;
- Ho, sốt – chỉ trong một số trường hợp;
- Đôi khi có thể có đau lưng hay đau vai.
Biến chứng có thể gặp khi bị viêm màng phổi
Viêm màng phổi nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng sau:
- Gây tràn dịch màng phổi
- Áp-xe phổi
- COPD, dễ bị ARDS.
- Đe dọa đến tính mạng.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bạn nên đến gặp bác sĩ khi xuất hiện các triệu chứng nêu trên hoặc nếu bị ho, ớn lạnh và sốt cao đồng thời ho có đờm màu vàng hoặc màu xanh lá cây.
Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến viêm màng phổi
Màng phổi là hai lớp mô mỏng bảo vệ phổi, nằm giữa phổi và thành ngực. Giữa hai lớp màng là dịch màng phổi có tác dụng bôi trơn hai lớp màng, để chúng có thể trượt lên nhau. Khi màng phổi bị viêm, chúng không thể trượt lên nhau dễ dàng được, do đó dẫn đến đau; đặc biệt là khi bạn ho hoặc hắt hơi.
Nguyên nhân gây viêm màng phổi bao gồm:
- Nhiễm virus, chẳng hạn như bệnh cúm (cúm).
- Nhiễm trùng do vi khuẩn, như viêm phổi.
- Nhiễm nấm.
- Cục máu đông trong động mạch phổi.
- Bệnh khớp dạng thấp.
- Một số loại thuốc.
- Ung thư phổi ở gần bề mặt màng phổi.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc phải viêm màng phổi?
Bệnh viêm màng phổi là bệnh khá phổ biến. Những người có bệnh sử về hô hấp có nguy cơ cao bị viêm màng phổi. Ngoài ra, nguy cơ xuất hiện biến chứng của viêm màng phổi cũng sẽ tăng theo tuổi tác và sự xuất hiện của các bệnh khác như tiểu đường, khí phế thũng, viêm phế quản mạn tính, bệnh tim.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm màng phổi
Bác sĩ có thể chẩn đoán viêm màng phổi bằng cách:
- Khám thực thể và xem xét các triệu chứng ở người bệnh.
- Chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính: Quan sát khu vực phổi bị viêm.
- Xét nghiệm máu: Chỉ ra nhiễm trùng (nếu có), phát hiện rối loạn tự miễn như viêm khớp dạng thấp hoặc lupus, trong đó các dấu hiệu ban đầu là viêm màng phổi.
- Chọc dịch: Nếu bác sĩ nghi ngờ dịch có thể được gây ra bởi bệnh lao phổi hoặc ung thư.
- Nội soi nồng ngực: Cho phép bác sĩ xem bên trong ngực và lấy mẫu mô màng phổi.
Phương pháp điều trị viêm màng phổi hiệu quả
Mục tiêu quan trọng trong việc điều trị viêm màng phổi là điều trị nguyên nhân gây ra các dấu hiệu và triệu chứng. Các phương pháp điều trị bao gồm:
- Các thuốc chống viêm không steroid có kê đơn hoặc không kê đơn có thể làm giảm một số dấu hiệu và triệu chứng.
- Codeine giúp làm giảm ho và đau.
- Nếu dịch màng phổi nhiều, bệnh nhân có thể phải đặt ống dẫn lưu dịch.
- Nếu nguyên nhân của viêm màng phổi là do nhiễm trùng phổi (viêm phổi), kháng sinh có thể kiểm soát sự lây nhiễm. Tuy nhiên, với viêm màng phổi do nhiễm siêu vi, kháng sinh sẽ không hiệu quả. Hầu hết nhiễm virus tự cải thiện mà không cần điều trị.
Kết quả điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm màng phổi
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.
- Tiêm phòng cúm để ngăn chặn khả năng viêm phổi do virus cúm.
- Rửa tay thường xuyên để giảm nguy cơ viêm phổi do vi trùng.
- Bỏ hẳn việc hút thuốc lá.
- Không đến nhưng nơi không khí bị ô nhiễm và sử dụng khẩu trang khi đi ra đường.
- Có chế độ nghỉ ngơi thích hợp và chế độ ăn uống nhiều trái cây, rau, ngũ cốc cùng với tập thể dục vừa phải để giúp giữ nâng cao miễn dịch, chống lại bệnh viêm màng phổi.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.