Viêm tuyến tiền liệt
Mục lục
Viêm tuyến tiền liệt là gì?
Tìm hiểu chung
Viêm tuyến tiền liệt là gì?
Tình trạng tuyến tiền liệt bị nhiễm trùng dẫn đến sưng, viêm gọi là bệnh viêm tuyến tiền liệt, bệnh này ít gặp hơn viêm niệu đạo và viêm bàng quang. Dựa vào nguyên nhân mà bệnh viêm tiền liệt tuyến xuất hiện đột ngột hoặc từ từ, có thể chia làm 3 loại:
- Viêm tuyến tiền liệt mãn tính do vi khuẩn.
- Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn.
- Viêm tuyến tiền liệt không do vi khuẩn.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt
Bệnh viêm tuyến tiền liệt có các dấu hiệu, triệu chứng phổ biến là:
- Các dấu hiệu giống bị cảm cúm: sốt, nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi;
- Đi tiểu khó, tiểu nhiều lần, nhất là vào ban đêm;
- Lúc tiểu có cảm giác đau, rát; có máu trong nước tiểu;
- Đau vùng bụng, bẹn, thắt lưng, vùng giữa bìu và hậu môn;
- Đau khi xuất tinh.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến viêm tuyến tiền liệt
Từng loại viêm tuyến tiền liệt có nguyên nhân gây bệnh khác nhau, nếu bệnh do vi khuẩn gây ra thì vi khuẩn phổ biến nhất là E.coli. Nếu bệnh do vi khuẩn gây ra nhưng không được điều trị triệt để thì bệnh sẽ tái phát và cực kì khó điều trị, dẫn đến tình trạng bệnh mạn tính.
Ngoài ra, bệnh viêm tuyến tiền liệt còn do một số nguyên nhân khác như:
- Rối loạn hệ thần kinh, hệ miễn dịch.
- Chấn thường tuyến tiền liệt hoặc các vùng lân cận tuyến tiền liệt.
- Quan hệ tình dục không an toàn dẫn đến các bệnh xã hội, chẳng hạn như lậu và giang mai.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc viêm tuyến tiền liệt?
Bệnh này xảy ra ở nam giới và ở bất kỳ lứa tuổi nào, tỉ lệ mắc bệnh cao ở nam giới từ 50 tuổi trở xuống.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm tuyến tiền liệt, bao gồm:
- Không uống nước hoặc uống rất ít.
- Quan hệ tình dục mà không sử dụng các liệu pháp an toàn.
- Tiền sử viêm nhiễm niệu đạo, bàng quang.
- Tiền sử chấn thương vùng xương chậu.
- Nam giới ở tuổi trung niên.
- Luôn trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt
Việc khám lâm sàng dựa vào các triệu chứng là bước điều tra bệnh đầu tiên. Sau đó bác sĩ sẽ kiểm tra bàng quang cũng như áp dụng các phương pháp xét nghiệm máu, nước tiểu, chụp X-quang, chụp CT để có được kết quả rõ ràng nhất rồi mới đưa ra những chẩn đoán về bệnh tình của từng bệnh nhân.
Phương pháp điều trị viêm tuyến tiền liệt hiệu quả
Dựa vào nguyên nhân bệnh mà các bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng các cách khác nhau:
- Tắm nước ấm.
- Mát-xa tuyến tiền liệt.
- Dùng thuốc chống viêm không có chứa steroid để giảm bớt khó chịu.
- Thuốc chẹn beta để giảm đau những lúc tiểu tiện.
- Dùng thuốc kháng sinh: Tùy mức độ bệnh mà bệnh nhân dùng thuốc viên hay truyền kháng sinh qua tĩnh mạch. Thông thường thời gian dùng thuốc kháng sinh kéo dài từ 4 đến 6 tuần hoặc lâu hơn theo chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm tuyến tiền liệt
- Tắm với nước ấm.
- Không hút thuốc lá; hạn chế tối đa việc uống cà phê, rượu, bia các đồ ăn uống có nhiều đường, axit.
- Quan hệ tình dục an toàn.
- Hạn chế việc ngồi lâu một chỗ, nên ngồi ghế nệm êm để giảm áp lực cho tuyến tiền liệt.
- Khi đạp xe hay vận động mạnh nên có biện pháp bảo hộ để tránh chấn thương tuyến tiền liệt.
- Có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào xảy ra hãy đến ngay bệnh viện hay liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để có giải pháp khắc phục kịp thời.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.