Xơ phổi
Mục lục
Xơ phổi là gì?
Tìm hiểu chung
Xơ phổi là gì?
Xơ phổi là một bệnh gây sẹo tiến triển của mô phổi. Xơ hóa phổi gây trở ngại cho chức năng phổi và dẫn đến lượng oxy trong máu thấp. Triệu chứng thông thường nhất là khó thở và ho khan. Phương pháp điều trị xơ phổi hiện nay bao gồm thuốc và điều trị để cải thiện chức năng phổi cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của xơ phổi
Các triệu chứng bao gồm:
- Đau ngực
- Ho khan
- Khó khăn trong việc tập thể dục
- Khó thở
- Mệt mỏi.
- Giảm cân không rõ nguyên nhân.
- Đau nhức bắp thịt và khớp.
Khó thở là triệu chứng điển hình nhất của bệnh xơ phổi. Triệu chứng này sẽ ngày một trầm trọng hơn, có thể xuất hiện ngay cả trong khi ăn, khi mặc quần áo hoặc khi nói chuyện.
Biến chứng có thể gặp của xơ phổi
Không được điều trị kịp thời khiến xơ phổi càng nặng sẽ gây ra những biến chứng sau: thiếu oxy trong máu, suy thận mạn tính, suy hô hấp, tâm phế mạn,… khá nguy hiểm. Chúng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và thể trạng của bệnh nhân khi hô hấp khó khăn, không thể vận động mạnh ngay cả khi tập thể dục.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến xơ phổi
Thông thường, các túi phế nang có tính đàn hồi cao, mở rộng và xẹp như bong bóng, thích nghi theo từng hơi thở. Nhưng khi bị sẹo, mô kẽ sẽ bị cứng và dày lên làm cho việc tiếp nhận không khí ít linh hoạt hơn, việc thở trở nên khó khăn hơn.
Nguyên nhân gây ra bệnh xơ phổi bao gồm:
- Lao động và môi trường: làm việc trong môi trường ô nhiễm, thường xuyên tiếp xúc với bụi Silic, Amiăng.
- Bức xạ: Trị liệu bức xạ đối với phổi hoặc ung thư vú có thể dẫn đến xơ phổi. Các mức độ nghiêm trọng còn tùy thuộc vào tổng số lượng bức xạ, hóa trị liệu được sử dụng và sự hiện diện của bệnh phổi có sẵn.
- Thuốc: Nhiều loại thuốc có thể gây hại phổi, đặc biệt là các loại thuốc hóa trị, thuốc dùng để điều trị rối loạn nhịp tim và các vấn đề tim mạch khác, thuốc tâm thần và một số thuốc kháng sinh.
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
- Các bệnh khác dẫn đến nhiễm trùng phổi như lao, viêm phổi.
- Xơ hóa phổi tự phát, không tìm được nguyên nhân.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc phải xơ phổi?
Trẻ em và trẻ sơ sinh dễ bị mắc bệnh, người trung niên và người cao tuổi cũng có khả năng. Bên cạnh đó, đàn ông có nguy cơ mắc bệnh cao hơn phụ nữ.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
- Môi trường lao động: Những người làm nông nghiệp, khai thác, xây dựng hoặc tiếp xúc với các chất ô nhiễm.
- Bức xạ và hóa trị: Người mắc bệnh ung thư và phải sử dụng bức xạ hoặc thuốc hóa trị để điều trị.
- Hút thuốc lá.
- Gen di truyền.
- Virus.
Điều trị hiệu quả
Những phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán xơ phổi
Bác sĩ chẩn đoán dựa vào các xét nghiệm bao gồm:
- Chụp X-quang: Hiển thị các mô sẹo điển hình của chứng xơ phổi và rất hữu ích cho quá trình điều trị.
- Chụp cắt lớp vi tính độ phân giải cao (HRCT): Cung cấp nhiều hình ảnh chi tiết sắc nét của phổi hơn.
- Xét nghiệm chức năng phổi: Cho biết chức năng phổi có hoạt động ổn định hay không và có những bất thường nào.
- Phương pháp đo oxy: Đo độ bão hòa oxy trong máu
- Thử nghiệm tập thể dục căng thẳng: Theo dõi chức năng phổi khi đang hoạt động gắng sức.
- Nội soi phế quản (sinh thiết)
- Rửa phế quản
- Phẫu thuật sinh thiết để làm xét nghiệm mẫu mô ở phổi.
Phương pháp điều trị xơ phổi hiệu quả
Các phương án điều trị bao gồm:
- Oxy liệu pháp: Giúp cho việc thở và tập thể dục dễ dàng hơn, ngăn ngừa hoặc làm giảm các biến chứng từ oxy máu thấp, cải thiện giấc ngủ và cảm giác tốt hơn.
- Phục hồi chức năng phổi: Tập trung vào việc tập thể dục, giảng dạy làm thế nào để hít thở hiệu quả hơn, giáo dục, hỗ trợ tinh thần và tư vấn dinh dưỡng.
- Cấy ghép phổi: Thường là biện pháp cuối cùng khi các phương án điều trị khác không mang lại hiệu quả. Bệnh nhân phải tuyệt đối tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ trước và sau cuộc phẫu thuật.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
Các biện pháp ngăn ngừa bao gồm:
- Hạn chế tiếp xúc với khói bụi, các chất độc hại. Trang bị bảo hộ lao động đầy đủ khi phải làm việc trong môi trường khói bụi, hóa chất, rác thải độc hại.
- Ngừng hút thuốc. Nếu bạn có bệnh phổi, điều tốt nhất bạn có thể làm cho mình là ngừng hút thuốc. Nói chuyện với bác sĩ của bạn về các lựa chọn để bỏ thuốc, bao gồm cả các chương trình cai thuốc lá. Không để bị hít phải khói thuốc lá từ những người xung quanh bạn.
- Có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Chế độ ăn uống giàu calo là điều cần thiết. Chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bạn xây dựng chế độ ăn uống hợp lý.
- Tiêm vắc-xin phòng viêm phổi và cúm hàng năm. Hạn chế tiếp xúc với người bị cúm.
- Kiểm soát bệnh trào ngược dạ dày nếu có.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.